Thấy gì từ các ứng viên Bộ trưởng Tài chính của Trump?

4 ứng viên cho ghế Bộ trưởng Tài chính có 2 tỷ phú đầu tư, một kiến trúc sư thương chiến Mỹ - Trung và một cựu thống đốc Fed.


Bộ trưởng Tài chính là một trong những chức vụ cao cấp nhất trong nội các Mỹ, chịu trách nhiệm giám sát chính sách tài chính và kinh tế đất nước, theo Reuters. Vì vậy, việc ông Trump chọn ai cho vị trí này đang được các nhà đầu tư toàn cầu và Phố Wall theo dõi sát sao.


Nhà đầu tư tỷ phú John Paulson ban đầu là ứng cử viên dẫn đầu nhưng rời cuộc đua tuần trước với lý do "các nghĩa vụ tài chính phức tạp". Trong khi, ứng viên được cố vấn Elon Musk đánh giá cao là Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Cantor Fitzgerald, Đồng chủ tịch hoạt động chuyển tiếp của Trump đã đề cử làm Bộ trưởng Thương mại.


Vì vậy, cuộc đua cho ghế Bộ trưởng Tài chính còn 4 ứng viên chính là Nhà đầu tư tỷ phú Scott Bessent, Cựu Thống đốc Cục Dự trữ liên bang (Fed) Kevin Warsh, Giám đốc điều hành Apollo Global Management Marc Rowan và Cựu Đại diện Thương mại Mỹ nhiệm kỳ đầu của Trump Robert Lighthizer.


Scott Bessent là cố vấn kinh tế chủ chốt của Trump. Ông xem thuế quan như công cụ đàm phán. Nói với Bloomberg hồi tháng 8, Bessent coi thuế quan là "điều chỉnh giá một lần" và "không gây lạm phát", chủ yếu nhắm vào Trung Quốc.


Trên Fox News tuần trước, ông nhận định thuế quan là công cụ hữu ích để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại như mở cửa thị trường cho hàng Mỹ, buộc đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng, hợp tác chấm dứt nhập cư trái phép.


Scott Bessent hiện nhận được nhiều ủng hộ. Nhà đầu tư Kyle Bass nói ông là "lựa chọn tốt nhất cho thị trường và người dân". "Tôi ủng hộ Bessent 100%. Để trở thành Bộ trưởng Tài chính, bạn cần hiểu sâu sắc thị trường trái phiếu, luồng thanh toán toàn cầu, địa chính trị, con người, luồng tài chính, lạm phát và ngân sách liên bang. Scott vượt xa các ứng viên khác cho vị trí này", Kyle Bass đánh giá.


Những người ủng hộ khác của Bessent còn có Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham. Nhà đầu tư Stanley Druckenmiller nói Bessent am hiểu thị trường lẫn học thuật, bởi từng giảng dạy tại Đại học Yale.


Tuy nhiên, cố vấn Elon Musk không ấn tượng về Bessent và đánh giá cao Howard Lutnick hơn cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, trước khi Lutnick được chọn làm Bộ trưởng Thương mại. "Bessent là một lựa chọn kinh doanh thông thường, trong khi Lutnick sẽ thực sự tạo thay đổi. Việc kinh doanh như thường lệ đang khiến nước Mỹ phá sản, vì vậy chúng ta cần thay đổi", ông nói trên mạng xã hội X.


Tuần này, hai ứng viên khác tiềm năng được ông Trump xếp lịch phỏng vấn cho ghế Bộ trưởng Tài chính là Cựu Thống đốc Cục Dự trữ liên bang (Fed) Kevin Warsh và Giám đốc điều hành Apollo Global Management Marc Rowan.


Financial Times dẫn nguồn tin riêng cho hay Marc Rowan, 62 tuổi, đang nổi lên như ứng viên hàng đầu. Sở hữu 11 tỷ USD theo Bloomberg Billionaires Index, ông là CEO Apollo Global Management, công ty quản lý tài sản thay thế mà ông đồng sáng lập cùng với các tỷ phú Joshua Harris và Leon Black.


Công ty trụ sở tại New York này đang quản lý khoảng 696 tỷ USD tài sản, chuyên về tín dụng doanh nghiệp, cổ phần tư nhân và bất động sản. Trước đó, Rowan từng làm việc như một nhà ngân hàng đầu tư tại Drexel Burnham Lambert.


Tuần trước, tại Hội nghị Invest của Yahoo Finance, Marc Rowan đã bày tỏ lạc quan về chính quyền mới của Trump và những thay đổi lớn mà ông cho là cần thiết để cải cách vì lợi ích của doanh nghiệp. "Tôi nghĩ Elon Musk đại diện cho sự thay đổi toàn diện và chúng ta thực sự cần điều đó", ông nói.


Trong khi đó, Kevin Warsh, 54 tuổi, là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, bề dày chuyên môn về lạm phát và thâm hụt ngân sách. Trước đây, ông từng phụ trách lĩnh vực mua bán & sáp nhập tại Morgan Stanley, Cố vấn chính sách kinh tế tại Nhà Trắng từ năm 2002 đến 2006. Năm 2006, ông được Tổng thống George W. Bush đề cử thành một trong 7 thống đốc của Hội đồng Thống đốc Fed và giữ chức vụ này đến 2011.


Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy Warsh không hoàn toàn đồng tình với chiến lược kinh tế "Nước Mỹ trên hết" của Trump, dựa trên bài viết ông là đồng tác giả cùng Jeb Bush vào năm 2011. Bài viết cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần "chống lại làn sóng bảo hộ kinh tế đang gia tăng" khi đối mặt với các thách thức tài chính của quốc gia.


Ngoài ra, một ứng viên khác cũng có khả năng được cân nhắc là luật sư thương mại quốc tế Robert Lighthizer, 77 tuổi. Ông từng là Đại diện Thương mại Mỹ của chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu, nổi tiếng là người theo chủ nghĩa bảo hộ.


Vào nhiệm kỳ trước của Trump, ông đóng vai trò trung tâm trong việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada và được mô tả là kiến trúc sư của cuộc thương chiến Mỹ - Trung Quốc.


Trong bài báo trên tạp chí Ngoại giao vào tháng 8/2020, Lighthizer nêu quan điểm rằng tối đa hóa sản lượng và các mục tiêu địa chính trị không nên là yếu tố duy nhất được xem xét trong chính sách thương mại. Thay vào đó, giới chức cần chú ý các vấn đề khác như tình trạng mất việc làm ở Mỹ.


"Khi nói đến thuế, chăm sóc sức khỏe, quy định về môi trường và các vấn đề khác, các nhà hoạch định chính sách thường xuyên cân bằng giữa hiệu quả với các mục tiêu cạnh tranh khác. Họ nên làm điều tương tự với thương mại", ông nêu.


Lúc này, giới doanh nghiệp Mỹ đang hồi hộp theo dõi hoạt động chuyển giao quyền lực của Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida và cố gắng tìm cách ứng phó. Và kể cả khi Trump chọn ai làm Bộ trưởng Tài chính cũng không gì đảm bảo lập trường của ứng viên đó sẽ được tổng thống khích lệ, theo AP.


Một số doanh nghiệp đang chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau, bao gồm tập trung giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Donald Allan, CEO hãng công cụ Stanley Black & Decker đã lên kế hoạch đối phó với khả năng thuế quan tăng kể từ xuân tới.


Ông nói còn nhiều điều chưa rõ, nhưng khó có khả năng chuyển thêm việc làm sản xuất về Mỹ vì "không hiệu quả về mặt chi phí". "Chúng tôi chưa biết kịch bản nào sẽ xảy ra và cụ thể ra sao. Nó chỉ áp dụng cho Trung Quốc hay sẽ áp dụng cho tất cả các quốc gia? Đây là những điều vẫn cần được xác định", Allan nói.


Timothy Boyle, Chủ tịch và CEO của Columbia Sportswear nói "rất lo ngại" về thuế quan dù chỉ ảnh hưởng nhỏ từ việc nhập khẩu hàng Trung Quốc. "Các lập luận về việc đánh thuế sẽ cải thiện sản xuất nội địa đối với các mặt hàng như giày dép và quần áo là sai lầm", ông nói


Công ty nội thất và đồ gia dụng Williams Sonoma cho biết khoảng một nửa lượng hàng nhập khẩu của họ đến từ Trung Quốc vào năm 2018, khi Trump là tổng thống. Con số này còn 25% và có thể giảm thêm nếu thuế quan được mở rộng.


Phiên An (theo AP, Reuters, USA Today)









Thay gi tu cac ung vien Bo truong Tai chinh cua Trump?


4 ung vien cho ghe Bo truong Tai chinh co 2 ty phu dau tu, mot kien truc su thuong chien My - Trung va mot cuu thong doc Fed.

Thấy gì từ các ứng viên Bộ trưởng Tài chính của Trump?

4 ứng viên cho ghế Bộ trưởng Tài chính có 2 tỷ phú đầu tư, một kiến trúc sư thương chiến Mỹ - Trung và một cựu thống đốc Fed.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá