Tăng thuế là cần thiết, song thuốc lá lậu sẽ tràn vào
Phát biểu tại tọa đàm “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra” ngày 19/11, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, khẳng định việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là cần thiết và nên áp dụng theo phương pháp hỗn hợp.
Theo Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính đề xuất hai phương án:
Phương án 1: năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
Phương án 2: năm 2026 khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỉ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao.
Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.
Theo bà Cúc, mục tiêu chính của việc tăng thuế là giảm tỷ lệ người hút thuốc, đặc biệt là giới trẻ, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư phổi và bệnh hô hấp.
Tuy nhiên, bà Cúc cảnh báo rằng việc tăng giá thuốc lá hợp pháp có thể tạo cơ hội cho thuốc lá lậu, vốn không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng, tràn vào thị trường. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của chính sách khi tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm nhưng thuốc lá lậu lại gia tăng.
“Thuốc lá lậu có thể tránh tất cả các loại thuế ở khâu nhập khẩu, gồm: thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, chưa tính đến các loại thuế nếu kinh doanh hợp pháp trong nước.Cho nên khi thuế TTĐB tăng sẽ tác động trực tiếp lên thuốc lá hợp pháp trong khi thuốc lá lậu không bị ảnh hưởng, dẫn đến việc giảm sản lượng hợp pháp và tạo điều kiện thuận lợi để thuốc lá lậu chen vào”, bà Cúc nêu quan điểm.
Dẫn nghiên cứu của các tổ chức, bà Cúc cho rằng: Cần xem xét các kịch bản có thể xảy ra khi thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh tại Việt Nam.
Theo một số nghiên cứu, cả 2 phương án tăng thuế TTĐB theo dự thảo Luật, tổng lượng tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm khoảng 7% vào năm 2030. Sản lượng thuốc lá hợp pháp ở cả 2 phương án đều giảm mạnh vào năm 2030. Cụ thể, thuốc lá hợp pháp giảm 30% ở phương án 1 (tương đương giảm 28 tỉ điếu) và giảm 36% ở phương án 2 (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025 trước khi tăng thuế. Điều này sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành thuốc lá, các doanh nghiệp có thể phá sản trong thời gian ngắn khi doanh thu sụt giảm khoảng 32%-35%.
Ngược lại, lượng thuốc lá lậu sẽ tăng mạnh ở cả 2 phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Đến năm 2030, thuốc lá lậu có thể sẽ tăng 205% ở phương án 1 (khoảng 22 tỷ điếu) và tăng 230% ở phương án 2 (tương đương 24 tỷ điếu) so với 2025.
Theo bà Cúc, phương án 1 của dự thảo là cách tiếp cận hợp lý hơn, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến các chủ thể liên quan so với phương án 2. Tuy nhiên lộ trình tăng thuế nên được giãn ra một cách phù hợp hơn, không nên tăng liên tục hằng năm, nhằm giúp ngành thuốc lá hợp pháp có đủ thời gian chuyển đổi và thích nghi
Lộ trình tăng thuế nên giãn ra
ThS. Tráng A Dương, Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: Cả hai phương án Bộ Tài chính đề xuất đều quá đột ngột với doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến ngành thuốc lá. Sửa luật thuế TTĐB cần đảm bảo hài hòa các yếu tố: Sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, điều tiết thu NSNN, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kiểm soát sản phẩm nhập lậu, sản xuất lậu...
Dưới góc độ đánh giá này, ông Tráng A Dương cho rằng cần nghiên cứu sâu về tăng thuế TTĐB và chống buôn lậu thuốc lá, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát huy hiệu quả của chính sách thuế, đặc biệt là hạn chế sự gia tăng đột biến của hoạt động buôn lậu thuốc lá trong thời gian tới.
Theo vị này, hoàn toàn có mối liên hệ giữa việc tăng thuế và tăng thuốc lá lậu. Nhìn lại năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% và cũng trong năm này, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao năm 2017; Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao năm 2021.
“Việc tăng thuế tất nhiên không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tăng thuốc lá lậu, tuy nhiên khi suy xét lại các cột mốc kể trên, có thể thấy tăng thuế là một trong số những yếu tố quan trọng dẫn đến tăng thuốc lá lậu. Nếu tăng thuế theo lộ trình phù hợp sẽ giảm đi một nguy cơ quan trọng gia tăng việc buôn bán bất hợp pháp sản phẩm thuốc lá”, ông Dương lưu ý.
Để hỗ trợ công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả sau khi tăng thuế, ông Dương cho rằng lộ trình tăng thuế nên giãn ra, tần suất tăng thuế nên là 2 tới 3 năm/lần để các cơ quan quản lí thị trường có thêm thời gian để lên kế hoạch và chuẩn bị lực lượng nhằm ứng phó với làn sóng buôn lậu được dự đoán sẽ tràn mạnh mẽ vào Việt Nam sau khi thuế tăng.
Cùng quan điểm, Thượng tá Lê Thiện Thành, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng), cũng đồng tình với việc tăng thuế nhưng nhấn mạnh rằng lộ trình tăng cần được giãn ra để các lực lượng quản lý, như Bộ đội Biên phòng, có thời gian chuẩn bị đối phó với tình trạng buôn lậu tăng cao. Ông đề xuất sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP để xử phạt nghiêm các hành vi buôn lậu thuốc lá, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp hợp pháp.
Vì sao chuyên gia y tế cho rằng đến lúc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường?
Để ngăn ngừa, giảm thiểu thừa cân, béo phì đáng báo động, dự phòng giảm thiểu rủi ro, gánh nặng với bệnh không lây nhiễm, chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, trong đó có nước giải khát có đường.
Các doanh nghiệp ngành nước giải khát đề xuất, chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường trong khi chuyên gia về thuế lại nghĩ khác.