Có phải suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến não trẻ không? (Hạnh Nguyên, TP HCM)
Trả lời:
Suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể như tác động đến tâm lý, gây lo lắng, tâm trạng thay đổi thất thường. Suy dinh dưỡng khiến trẻ chậm phát triển về thể chất, thiếu hụt dưỡng chất khiến hệ miễn dịch của trẻ suy giảm, dễ mắc bệnh, nhiễm trùng và chậm hồi phục sức khỏe. Nghiêm trọng hơn tình trạng này có thể gây ra tổn thương lâu dài như mù lòa, mềm xương, làm tăng nguy cơ tử vong.
Trong giai đoạn 3-5 tuổi, não của trẻ phát triển nhanh chóng. Bé cần bổ sung các vi chất cần thiết để tăng sinh tế bào, sao chép DNA, dẫn truyền thần kinh và chuyển hóa hormone - thành phần thiết yếu của hệ thống enzyme trong toàn bộ não của trẻ.
Con bạn có dấu hiệu trầm cảm, lo âu, khó tập trung, bạn nên cho con đi khám tại các cơ sở y tế uy tín. Nếu trẻ có các dấu hiệu thể chất như không tăng cân, vận động kém, chán ăn, mệt mỏi, cáu gắt, bụng chướng, chân tay mềm nhão, tóc và da khô... cũng cần khám.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, độ tuổi, mức độ suy dinh dưỡng của trẻ, bác sĩ chọn phương pháp điều trị phù hợp. Trẻ được bổ sung dưỡng chất bị thiếu hụt, điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, giải quyết nguyên nhân gây suy dinh dưỡng.
Chế độ ăn mỗi ngày của con cần đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dinh dưỡng quan trọng gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Bé cần tăng cường ăn rau củ quả, bổ sung các thực phẩm hỗ trợ hệ tiêu hóa. Bạn nên tạo các thói quen sinh hoạt lành mạnh cho con như ngủ đủ giấc, chơi thể thao, tẩy giun, tiêm ngừa vaccine và khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.
Không chỉ với trẻ, phụ nữ cũng cần chú ý chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng vaccine đầy đủ trước khi mang thai. Mẹ bầu nên khám thai định kỳ để có thể can thiệp, tư vấn điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, nhờ đó con sinh ra giảm nguy cơ suy dinh dưỡng.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng
Trung tâm Thông tin Y khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM