Ngày 15/4, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, yêu cầu như trên trong bối cảnh Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Từ hai doanh nghiệp chính là Rance Pharma và Hacofood Group, nhóm này đã lập thêm 9 công ty để sản xuất, phân phối sữa bột giả. Đường dây sản xuất sữa giả này có hệ sinh thái phủ cả nước.
Tổng cộng 11 công ty liên quan đường dây, gồm: Rance Pharma, Hacofood Group, Quốc tế Group, Quốc tế Big Four Pharma, Dược quốc tế Long Khang Group, Dinh dưỡng Y học BFF; các công ty cổ phần Dược quốc tế Safaco Group, Dược quốc tế Darifa Group, Dược quốc tế Win CT, Dược phẩm Dinh dưỡng Phúc An Khang và Dược Á Châu.
"Các địa phương rà soát số lượng sản phẩm, tên từng sản phẩm công bố, việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và hoạt động thanh kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính từ năm 2021 đến nay", Bộ Y tế yêu cầu.
Cục An toàn Thực phẩm cũng yêu cầu các địa phương tăng cường hậu kiểm an toàn thực phẩm, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao và gần đây phát hiện vi phạm, những sản phẩm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhóm nhạy cảm trong xã hội như người già, trẻ em... Đồng thời, các địa phương kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như hồ sơ công bố, hồ sơ quảng cáo.
Liên quan đường dây sản xuất sữa giả, Bộ Công an đã khởi tố Hoàng Mạnh Hà, Vũ Mạnh Cường, Đặng Trung Kiên (Giám đốc, Phó giám đốc, cổ đông góp vốn của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group) cùng 4 đồng phạm về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 8/2021, Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường nhận thấy người dân ngày càng có nhu cầu sử dụng sữa dạng bột nội địa nên cùng góp vốn lập Công ty Rance Pharma và Hacofood, sau đó điều hành mọi hoạt động từ sản xuất, kinh doanh, đến tiêu thụ các loại sữa bột giả.
Lê Nga