Phụ huynh "vây" trường Tây Mỗ 3 suốt 16 tiếng yêu cầu công khai thông tin tuyển sinh
6h20 sáng ngày 21/8, hàng trăm phụ huynh "vây" cổng Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 yêu cầu nhà trường công khai vấn đề tuyển sinh.
Hầu hết phụ huynh trong nhóm này có con đang học lớp 2-5 tại Trường Tiểu học Lý Nam Đế và các trường khác ngoài phường Tây Mỗ, có nhu cầu chuyển trường cho con về gần nhà theo đúng hộ khẩu thường trú và tạm trú dài hạn.
Theo Đề án thành lập Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 ban hành ngày 25/5 của UBND phường Tây Mỗ, trường này sẽ tiếp nhận học sinh từ khối 2-5 năm học 2023-2024 của Trường Tiểu học Tây Mỗ và Lý Nam Đế, là cư dân thuộc các tổ dân phố số 7, 8, 9, 10, 11, 12 và các tòa nhà chưa phân tổ trong khu đô thị.
Tuy nhiên, tới đầu tháng 7, UBND quận ra Quyết định 1388 tách Trường Tiểu học Tây Mỗ thành Trường Tiểu học Tây Mỗ và Trường Tiểu học Tây Mỗ 3.
Thực hiện quyết định này, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Nam Từ Liêm tổ chức chia tách 1111 học sinh từ Tiểu học Tây Mỗ sang Tiểu học Tây Mỗ 3, không lấy học sinh từ các trường tiểu học khác.
Đáng nói, việc chia tách này chỉ được thông báo chính thức tới phụ huynh cư trú trên địa bàn vào 21h30 ngày 21/8, tức 15 giờ đồng hồ sau khi phụ huynh "vây" trường gây sức ép yêu cầu công khai thông tin tuyển sinh.
Trong suốt cả ngày 21/8, đại diện Phòng GD&ĐT lẫn hiệu trưởng nhà trường đều không phát ngôn rõ ràng, thậm chí né tránh trả lời về việc trường Tây Mỗ 3 có tuyển sinh hay không.
Trước đó, phụ huynh không có thông tin về việc trường chỉ tiếp nhận học sinh từ Trường Tiểu học Tây Mỗ dù tìm kiếm qua nhiều kênh khác nhau. Các phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Lý Nam Đế còn được giáo viên lập danh sách chuyển trường theo nguyện vọng vào ngày 15/7.
Những học sinh trong danh sách này không phải đăng ký đồng phục và sách giáo khoa cho năm học mới. Điều này khiến các phụ huynh tin rằng con họ sẽ được chuyển về trường mới gần nhà học tập.
Ngày 23/8, lãnh đạo quận Nam Từ Liêm và đại diện các cơ quan liên quan đã có buổi đối thoại với phụ huynh. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Đỗ Thị Thúy Hà xin lỗi vì thông tin đã không đến được với phụ huynh. Bà Hà cũng khẳng định nguyện vọng của phụ huynh là "chính đáng và phù hợp".
Ngày 27/8, Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm chính thức thông báo phương án giải quyết. Theo đó, Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 không tiếp nhận thêm học sinh với lý do "cơ sở vật chất chưa đáp ứng điều kiện chất lượng giáo dục".
Như vậy, toàn bộ 523 đơn đăng ký vào trường Tây Mỗ 3 đều không được giải quyết. Thay vào đó, các trường tiểu học khác trên địa bàn sẽ tiếp nhận số học sinh này nếu phụ huynh có nguyện vọng. Các trường này gồm Tiểu học Đại Mỗ 3, Tiểu học Tây Mỗ và Tiểu học Lý Nam Đế. Đại đa số phụ huynh sau đó đã chấp thuận phương án này, khép lại vụ việc ồn ào chưa từng có tiền lệ tại Hà Nội.
Sự việc trên một lần nữa đặt ra câu hỏi về công tác quy hoạch trường lớp, phân tuyến tuyển sinh của địa phương. Đây cũng là bài toán mà các đô thị có mức độ gia tăng dân số cơ học cao phải giải quyết.
Trường Ams dừng tuyển sinh lớp 6
Cuối tháng 1, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội có công văn gửi Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2024-2025.
Trong công văn trả lời, Bộ GD&ĐT khẳng định "không có cấp THCS trong trường chuyên". Căn cứ của nội dung này là khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục 2019. Đồng thời, việc tuyển sinh vào lớp không chuyên của trường chuyên chỉ thực hiện đến hết năm học 2023-2024.
Như vậy, thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam không được tuyển sinh lớp 10 không chuyên cũng như không được tuyển sinh lớp 6 từ năm học 2024-2025.
Cũng chịu tác động của quy định này là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM. Đứng trước việc phải dừng tuyển sinh lớp 6 như trường Ams, UBND TPHCM đã tách Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tách thành hai trường độc lập gồm trường THPT chuyên và Trường liên cấp THCS, THPT Trần Đại Nghĩa.
Như vậy, hệ THCS của trường liên cấp Trần Đại Nghĩa vẫn tuyển sinh lớp 6 cho năm học 2024-2025 mà không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, việc tách trường tương tự đã không được Hà Nội làm với trường Ams. Ngày 2/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chỉ đạo dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam theo đúng quy định.
Thời điểm đó, Luật Thủ đô vẫn chưa có hiệu lực và Hà Nội không có cơ chế đặc thù cho giáo dục.
Hệ THCS thuộc Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển sinh từ năm 1992, thường được gọi là Ams2 để phân biệt với hệ THPT. Năm 2009, thành phố quyết định đưa Ams2 thành hệ đào tạo THCS trình độ cao, tạo nguồn học sinh chuyên. Hàng năm, Ams2 tuyển khoảng 200 chỉ tiêu với điều kiện nộp hồ sơ khắt khe.
Năm học 2023-2024, học sinh muốn dự thi vào lớp 6 trường này cần có 5 năm tiểu học đạt hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện, đồng thời không được có quá 2 điểm 9 trong suốt 5 năm ở tất cả các môn học.
TPHCM giảm mạnh chỉ tiêu lớp 10 công lập
Ngày 17/4, Sở GD&ĐT TPHCM công bố chỉ tiêu tuyển sinh cho 113 trường THPT công lập năm học 2024-2025. Theo đó, tổng chỉ tiêu là 71.020, giảm đến 6.124 chỉ tiêu so với năm học 2023-2024.
Lý giải cho quyết định này, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho hay việc giao chỉ tiêu vào lớp 10 công lập trước hết phải đảm bảo công tác phân luồng theo quy định của Chính phủ, tức khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào hệ thống THPT công lập. Số còn lại tiếp tục học trường tư, trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Bên cạnh đó, năm 2023, khi kết thúc kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập, các trường trên địa bàn thành phố vẫn thừa 3.000 chỗ học lớp 10. Đợt tuyển bổ sung sau đó chỉ nhận thêm được khoảng 1.000 hồ sơ. Do vậy, Sở GD&ĐT TPHCM giảm chỉ tiêu để sát hơn với thực tế.
Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau đó, Sở này thông báo bổ sung 5.535 chỉ tiêu lớp 10 vào 62 trường THPT công lập, nâng tổng chỉ tiêu tuyển sinh lên khoảng 76.760 học sinh, gần xấp xỉ với năm trước.
Kết thúc kỳ tuyển sinh, TPHCM tiếp tục tuyển bổ sung thêm hơn 2000 chỉ tiêu công lập. Song, trong khi các trường THPT tốp sau hầu như tuyển đủ chỉ tiêu thì những trường tốp đầu vắng học sinh đăng ký, thậm chí có trường không có học sinh nào nộp hồ sơ. Một trong những nguyên nhân là nhiều học sinh đạt điểm cao đến từ các trường THCS tư thục và thi lớp 10 chỉ để trải nghiệm.
Điểm chuẩn lớp 10 công lập của Hà Nội nhảy múa, 1 trường giảm 16 điểm
Ngày 1/7, Hà Nội công bố điểm chuẩn lớp 10 công lập. Điểm chuẩn năm nay có sự biến động mạnh khi nhiều trường khu vực ngoại thành hoặc ở tốp cuối tăng 2,25-8 điểm. Trong khi đó, nhóm trường tốp đầu diễn ra hai xu hướng, hoặc giảm 1-2 điểm, hoặc tăng 0,25-1,25 điểm.
Đáng chú ý, Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, giảm 16,25 điểm, từ tốp đầu điểm chuẩn năm 2023 xuống tốp đáy điểm chuẩn năm 2024. Điểm chuẩn năm nay của trường chỉ còn 23,75 điểm, trong khi năm ngoái trường này lấy 40 điểm.
Việc tăng giảm điểm chuẩn qua các năm là điều bình thường. Một trường có điểm chuẩn cao vào năm trước sẽ nhận được ít hồ sơ dự tuyển vào năm sau, dẫn đến việc hạ điểm chuẩn.
Ngược lại, trường điểm chuẩn thấp sẽ thu hút phụ huynh nộp hồ sơ dẫn đến điểm chuẩn năm sau tăng.
Tuy nhiên, việc điểm chuẩn giảm đến 16,25 điểm như Trường THPT Đoàn Kết của quận Hai Bà Trưng là chưa có tiền lệ. Trong đợt tuyển sinh bổ sung, Hà Nội đã cho phép trường Đoàn Kết tuyển sinh "tràn tuyến". Nhiều học sinh đạt 40 điểm đã trúng tuyển vào trường trong đợt này.
Một sự kiện đáng chú ý khác liên quan điểm chuẩn lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2024 là Trường THPT Chu Văn An không còn "một mình một chỗ đứng" như nhiều năm trước đây.
Điểm chuẩn công bố đợt đầu của trường Chu Văn An là 42,5, giảm 2 điểm so với năm 2023, ngang với điểm chuẩn của hai trường Yên Hòa và Lê Quý Đôn (Hà Đông).
Tuy nhiên, trong đợt tuyển bổ sung, điểm chuẩn vào Chu Văn An giảm 0,5 điểm, còn 42 điểm. Cùng với việc trường Yên Hòa giảm 0,25 điểm về mức 42,25 điểm, trường Lê Quý Đôn lần đầu vượt lên vị trí số 1 của Hà Nội về điểm đầu vào.
Đây cũng là lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây có trường THPT vượt qua trường Chu Văn An về điểm chuẩn lớp 10 không chuyên.
Bất thường khối C thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chứng kiến điểm số khối C00 (văn, sử, địa) có dấu hiệu "lạm phát" khi không ít thí sinh đạt 27 điểm (tương đương 9 điểm/môn) vẫn trượt đại học.
Điều này được thấy rõ qua điểm chuẩn cao ngất ngưởng ở các ngành hot, như ngành Sư phạm ngữ văn và Sư phạm lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với mức điểm chuẩn lên tới 29,3. Ngành này yêu cầu thí sinh phải đạt gần 9,77 điểm/môn để trúng tuyển. Những thí sinh 29 điểm không có cơ hội.
Ngành Quan hệ công chúng của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội - giữ vị trí số 2 về điểm chuẩn khối C00 năm nay với 29,1 điểm, tương đương 9,7 điểm/môn.
Nếu chỉ đạt 27 điểm khối C00, thí sinh gần như không có cơ hội học Sư phạm ngữ văn, lịch sử, địa lý ở hầu hết các trường đại học có đào tạo ngành sư phạm trên cả nước, bao gồm nhiều trường đại học địa phương như Đại học Hải Phòng, Đại học Đà Lạt, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ…
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có phổ điểm môn ngữ văn khác biệt so với trước đây. Theo đó, có sự gia tăng mạnh số điểm từ 9 trở lên ở môn thi này.
Cụ thể, mức điểm 10 có 2 thí sinh, mức điểm 9,75 có 1.843 thí sinh, mức điểm 9,5 có 14.198 thí sinh, mức điểm 9,25 có 26.758 thí sinh, mức điểm 9 có 49.254 thí sinh. Tổng số thí sinh từ 9 điểm trở lên là 92.055 thí sinh.
Với tổ hợp khối C00, số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên là 23.343, tăng gần 930%, tương đương hơn 10 lần so với năm 2023.
Việc "lạm phát" điểm cao khối C00 cũng dẫn tới con số kỷ lục: 19 thí sinh cùng đạt thủ khoa ở mốc 29,75 điểm.
Trong khi đó, chỉ tiêu dành cho khối C00 ở các ngành hot, trường "top" rất hạn chế.
Tỷ trọng thí sinh thi các môn thuộc tổ hợp xã hội cao vượt trội so với thí sinh thi tổ hợp tự nhiên là 1 trong các nguyên nhân dẫn tới "lạm phát" điểm khối C. Bên cạnh đó, đề thi các môn thuộc tổ hợp xã hội được cho là ít tính phân hóa.
174 học sinh lớp 10 bị tuyển sinh trái phép, học nửa kỳ vẫn không có tên trên hệ thống của Sở
Cuối tháng 10, phụ huynh phản ánh việc 174 học sinh khối 10 của Trường THPT Tô Hiến Thành không có tên trên hệ thống của Sở GD&ĐT Hà Nội dù năm học đã bắt đầu được 3 tháng. Lý do là nhà trường không được Sở cấp chỉ tiêu tuyển sinh năm nay.
Sự việc gây bất ngờ với dư luận khi một trường không được cấp chỉ tiêu vẫn có thể tuyển sinh.
174 học sinh đứng trước nguy cơ "thất học".
Phía nhà trường giải thích, các năm trước trường vẫn tuyển sinh bình thường. Nhưng năm nay, trường không được cấp chỉ tiêu "do chưa đủ điều kiện cơ sở pháp lý địa điểm hoạt động".
Trường THPT Tô Hiến Thành đã xin Sở cho phép chuyển 174 học sinh sang Trường THPT Văn Lang, nơi vẫn dư chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10, đảm bảo việc học của học sinh không gián đoạn. Học sinh được giữ nguyên chương trình học, giữ nguyên mức học phí.
Sở GD&ĐT Hà Nội sau đó đã chấp thuận phương án này.
Tới sáng 27/11, 174 học sinh lớp 10 mà Trường THPT Tô Hiến Thành tuyển sinh trái phép được chuyển về nơi học mới, chính thức có tên và mã số trên hệ thống của Sở GD&ĐT.
Trường Tô Hiến Thành cũng nhận quyết định xử phạt hành chính 20 triệu đồng vì vi phạm quy định về tổ chức hoạt động giáo dục khi chưa được phép.