Phó Thủ tướng: Phải đảm bảo công suất khai thác mỏ cát kịp tiến độ cao tốc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT phối hợp các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu rà soát trữ lượng, công suất các mỏ cát của từng cao tốc, tính toán nguồn cát để phục vụ các dự án.


Bảo đảm công suất khai thác mỏ cát san lấp theo kịp tiến độ dự án cao tốc


Chiều 20/11, tại tỉnh Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác có buổi làm việc về việc thúc đẩy các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL.


Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, các dự án cao tốc ở ĐBSCL là những dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, mở đường, tạo động lực phát triển cho vùng.


Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, rà soát, tổng hợp lại trữ lượng, chất lượng, công suất các mỏ cát theo tiến độ của từng dự án; tính toán thêm phương án sử dụng cát biển để bù trừ giải quyết rủi ro trong tính toán nguồn cát san lấp.


Ông lưu ý dù không thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với những mỏ thực hiện theo cơ chế đặc thù nhưng các địa phương phải lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát, sử dụng công cụ, mô hình tính toán, công nghệ kỹ thuật để xác định độ sâu khai thác mỏ cát, bảo đảm an toàn môi trường, không gây ra sạt lở.


Hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng và tổ chức khai thác mỏ cát phải gắn với trách nhiệm của các ban quản lý dự án, nhà thầu.


Về khai thác cát biển tại khu vực chưa xác định ranh giới quản lý giữa các địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "đây là tài nguyên chung để phục vụ dự án trọng điểm quốc gia và sẽ kết thúc sau khi hoàn thành"; Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Nội vụ khẩn trương xác định ranh giới quản lý khu vực biển giữa các địa phương.


Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn xử lý cát biển phục vụ hoạt động xây dựng, san lấp.


Bộ TN&MT khẩn trương triển khai đánh giá toàn bộ trữ lượng cát sông, biển tại khu vực ĐBSCL.


Trữ lượng cát đã có nhưng công suất khai thác còn thấp


Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, khu vực ĐBSCL đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc gồm: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh. Đến nay, 3 dự án đang tổ chức thi công, riêng dự án Mỹ An - Cao Lãnh đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến khởi công đầu năm 2025.


Theo báo cáo của Bộ GTVT, việc cung ứng vật liệu cho các dự án vẫn còn một số khó khăn chủ yếu liên quan việc tăng công suất khai thác; một số mỏ có đủ trữ lượng nhưng công suất khai thác rất hạn chế; khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ...


Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành ở ĐBSCL lần lượt báo cáo khó khăn tồn tại và nêu các kiến nghị để Chính phủ xem xét, tháo gỡ.


Theo ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, địa phương được Chính phủ giao cung cấp trữ lượng 5 triệu m3 cát phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.


Tỉnh đã ký xác nhận cho 2 nhà thầu đối với 3 mỏ cát, tổng trữ lượng gần 2,5 triệu m3. Phần trữ lượng còn lại khoảng hơn 2 triệu m3, UBND tỉnh đã cấp 3 giấy phép gia hạn và đang xem xét 2 vị trí mỏ để cân đối, đảm bảo đủ trữ lượng hơn 5 triệu m3 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Tuy nhiên, theo ông Liệt, đối với công suất khai thác cát ở Vĩnh Long, hiện nay 3 mỏ cát cấp mới tại Trà Ôn do 2 nhà thầu đang khai thác vẫn còn người dân gửi đơn khiếu nại, việc này làm ảnh hưởng đến việc xem xét nâng công suất khai thác cho giai đoạn 2 để đảm bảo tiến độ. Còn các mỏ đang khai thác và được cấp gia hạn thì chất lượng cát lẫn nhiều tạp chất làm ảnh hưởng tiến độ san lấp.


Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do địa phương triển khai cần khoảng 7 triệu m3 cát. Hiện An Giang đã hỗ trợ 2,3 triệu m3, Tiền Giang 2,97 triệu m3, còn thiếu 1,73 triệu, nhờ Bến Tre hỗ trợ.


"Cần Thơ rất mong muốn Bộ TN&MT và các bộ ngành có liên quan, nghiên cứu tham mưu Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo cụ thể hướng dẫn cho thành phố được sử dụng cát biển để xây dựng các công trình giao thông, khu công nghiệp. Bởi hiện nay chưa có bất cứ văn bản nào làm cơ sở pháp lý cho sử dụng cát biển ở khu vực như là Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp", Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị.


Về phía tỉnh Sóc Trăng, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho hay hiện nay chưa có ranh giới chính thức trên biển giữa tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh, nên việc giao mỏ cát biển tại Tiểu khu B1.3 cho nhà thầu thi công còn gặp khó khăn.


Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ TN&MT phối hợp bộ ngành làm việc với UBND Sóc Trăng và UBND tỉnh Trà Vinh để thống nhất xử lý việc khai thác cát biển và giao khu vực biển tại tiểu khu B1.3.


Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, một trong những khó khăn là việc tính toán giá bán của các mỏ cát thương mại khi cung cấp cho các dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù. Tiền Giang cũng sẽ thực hiện cấp phép khai thác thêm những mỏ cát mới để bảo đảm cung cấp đủ 3,25 triệu m3.


Sáng cùng ngày, tại nút giao IC4 thuộc tỉnh Hậu Giang, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra công tác tổ chức thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) và dự án thành phần 3 thuộc dự án xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.









Pho Thu tuong: Phai dam bao cong suat khai thac mo cat kip tien do cao toc


Pho Thu tuong Tran Hong Ha giao Bo GTVT phoi hop cac dia phuong, chu dau tu, nha thau ra soat tru luong, cong suat cac mo cat cua tung cao toc, tinh toan nguon cat de phuc vu cac du an.

Phó Thủ tướng: Phải đảm bảo công suất khai thác mỏ cát kịp tiến độ cao tốc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT phối hợp các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu rà soát trữ lượng, công suất các mỏ cát của từng cao tốc, tính toán nguồn cát để phục vụ các dự án.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá