Sau bài viết Lạ lùng ngôi trường trăm tỷ sát nghĩa trang, xây xong bị 'xoá sổ', Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) ký văn bản số 3790 để cung cấp thông tin liên quan đến việc sáp nhập trường THCS Thanh Lãng và Trường THCS Nguyễn Duy Thì.
Theo văn bản trên, UBND huyện Bình Xuyên cho rằng, việc đầu tư xây dựng dự án Trường THCS Nguyễn Duy Thì có mục đích giảm tải học sinh của Trường THCS thị trấn Thanh Lãng và các Trường THCS thuộc các xã phía nam của huyện Bình Xuyên.
Dự án trên do Ban Quản lý dự án ĐTXD huyện làm chủ đầu tư gồm 7 hạng mục chính, gồm: san nền, kè đá; nhà lớp học; nhà hiệu bộ, thư viện; lớp học bộ môn, cổng, tường rào; cấp điện; hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ; nhà rèn luyện thể chất.
Theo UBND huyện Bình Xuyên, dự án được triển khai năm 2016 và cơ bản hoàn thành vào 2019. Mặc dù dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, từ khi hoàn thành đến nay, Trường THCS Nguyễn Duy Thì chưa có bộ máy ban giám hiệu, chưa chiêu sinh.
UBND huyện Bình Xuyên lý giải: Dự án trên được thực hiện căn cứ vào quyết định tách trường THCS Thanh Lãng thành Trường THCS Nguyễn Duy Thì. Tuy nhiên, năm 2018, khi dự án đang xây dựng, UBND tỉnh có kế hoạch giảm 6 đầu mối trường học tại huyện Bình Xuyên (trong đó có Trường THCS Nguyễn Duy Thì).
Vào thời điểm kế hoạch giảm đầu mối trường học của UBND tỉnh ban hành (4/2018) , dự án Trường THCS Nguyễn Duy Thì đã thi công được 4/7 hạng mục. Chủ đầu tư sau đó tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án vào một năm sau đó.
Trước câu hỏi của VietNamNet liên quan đến việc dự án có vốn đầu tư ngân sách lớn nhưng xây xong thuộc diện sáp nhập thì có dấu hiệu lãng phí hay không, UBND huyện Bình Xuyên khẳng định: Dự án "đảm bảo khai thác có hiệu quả".
UBND huyện cũng thừa nhận, trường xây xong năm 2019 nhưng không có học sinh đến học. Giai đoạn 2021-2022 trường được dùng làm cơ sở cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19; năm 2022-2023 trường được cải tạo sửa chữa.
"Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, không phát sinh thêm đầu mối đơn vị sự nghiệp; đồng thời tránh lãng phí tài sản nhà nước, UBND huyện đã sáp nhập Trường THCS Nguyễn Duy Thì với Trường THCS Thanh Lãng và tổ chức dạy học ở 2 địa điểm, đảm bảo khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất trường học", văn bản 3790 của UBND huyện Bình Xuyên nêu.
Sau sáp nhập, huyện Bình Xuyên vận động các phụ huynh, học sinh có nguyện vọng chuyển đến cơ sở mới học tập; đến nay, số học sinh ra cơ sở mới đạt khoảng 400 em. Ở cơ sở cũ, do nhiều phụ huynh chưa đồng thuận nên vẫn còn khoảng 700 học sinh ở lại.
Trước đó, phản ánh đến VietNamNet, nhiều phụ huynh tại Thị trấn Thanh Lãng bày tỏ băn khoăn về chủ trương chuyển học sinh Trường THCS Thanh Lãng sang cơ sở mới.
Người dân cho biết, có 2 lý do chính khiến họ chưa đồng thuận chủ trương chuyển học sinh trường THCS Thanh Lãng sang cơ sở mới gồm: Cơ sở cũ đang đáp ứng được việc dạy và học ổn định, có vị trí giao thông thuận lợi và đạt trường chuẩn quốc gia năm 2018. Cơ sở mới có vị trí sát nghĩa trang, quãng đường di chuyển xa hơn và lộ trình di chuyển sẽ phải qua quốc lộ 2 tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Những băn khoăn của người dân xuất phát từ quyết định tách Trường THCS Thanh Lãng cách đây gần 14 năm và việc đầu tư xây dựng Trường THCS Nguyễn Duy Thì.
Trong khi trường THCS Thanh Lãng hoạt động bình thường và trở thành trường đạt chuẩn quốc gia năm 2018 thì Trường THCS Nguyễn Duy Thì chưa thể đi vào hoạt động do chủ trương tinh giản biên chế và sắp xếp bộ máy của Trung ương và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Trong bối cảnh trên, vào tháng 1/2016, UBND huyện Bình Xuyên ban hành quyết định điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Trường THCS Nguyễn Duy Thì. Đến tháng 8/2019, công trình cơ bản hoàn thành và hoàn tất nghiệm thu sau đó.
Do chưa nhận được sự đồng thuận 100% của phụ huynh về việc chuyển đến cơ sở mới nên quá trình giảng dạy tại Trường THCS Thanh Lãng đã phát sinh một số vấn đề liên quan đến tách lớp, chuyển lớp. Đơn cử, có lớp gần 40 học sinh nhưng có khoảng 30 em chuyển đến cơ sở mới; số học sinh ở lại không đủ cơ cấu 1 lớp nên phải ghép vào các lớp khác cùng khối.
Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Lãng Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, nhà trường đang tổ chức dạy học cùng lúc ở 2 cơ sở. Tính đến ngày 2/10/2024, trên 700 học sinh (tương ứng với 17 lớp) chưa chuyển đến cơ sở mới. Nhà trường có 45 giáo viên, trong đó 30 người cố định dạy tại cơ sở cũ và 15 giáo viên di chuyển giữa 2 cơ sở trong ngày.