Trong kỳ thi IELTS ngày 17/12, thầy giáo Gen Z Phùng Tiến Thành sinh năm 1999 đạt 9.0 ở 3 kỹ năng Đọc (Reading), Nghe (Listening) và Nói (Speaking). Riêng kỹ năng Viết (Writing), anh đạt 8.0. Tổng điểm là 9.0.
Chia sẻ với phóng viên , Thành cho biết anh có niềm đam mê với tiếng Anh từ cấp 3. Mặc dù học chuyên Tin Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, nhưng Thành thi khối A01 (toán, vật lý, tiếng Anh) và trúng tuyển ngành kinh doanh quốc tế Trường Đại học Ngoại thương.
Trong suốt thời gian học đại học, Thành duy trì tình yêu với tiếng Anh. Anh học từ vựng vào bất kỳ lúc nào. Chỉ cần nhìn thấy một từ tiếng Anh nào xuất hiện lần thứ hai, Thành sẽ cố học nó.
"Mình biết là việc học thêm một từ cảm giác nó không đáng kể gì, nhưng sự thật là sau mỗi khoảng 1-200 từ mới học được, các bạn sẽ thấy bản thân giỏi lên một chút, bài đọc dễ đi một chút, và đó sẽ là nguồn động lực cho mình học tiếp", Thành chia sẻ.
Năm thứ tư đại học, khi đang ngồi ăn đêm với bạn, Thành và bạn nảy ra ý tưởng đi dạy tiếng Anh để tận dụng vốn liếng ngoại ngữ của mình.
Từ các mối quan hệ người thân, người quen, Thành mở lớp học đầu tiên với khoảng 10 học sinh. Học sinh lại giới thiệu học sinh, phụ huynh giới thiệu phụ huynh, cuối cùng lớp học mỗi ngày được mở rộng hơn và trở thành công việc chính của Thành sau khi tốt nghiệp.
Tính đến nay, Thành có 4 năm kinh nghiệm dạy tiếng Anh. Học sinh của anh trải dài độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 12. Các lớp đông học sinh nhất của Thành là ôn thi vào lớp 10 công lập và thi đại học.
Một năm trước, nhiều học sinh của Thành muốn học IELTS. Do đó, anh quyết định phải thi lấy chứng chỉ để có thể dạy học sinh một cách đàng hoàng.
Bận rộn với việc giảng dạy, Thành không có quá nhiều thời gian ôn luyện. Anh chủ yếu củng cố từ vựng và luyện viết. Thành viết khoảng hơn 100 bài Task 1, dạng phân tích dữ liệu, nên không gặp khó khăn gì ở phần này trong bài thi chính thức.
Riêng Task 2, anh chú trọng đến ý tưởng. Bí quyết của anh là chuẩn bị sẵn ý tưởng cho mọi đề nhìn thấy trên mạng.
Thành kể, khi viết về chủ đề vận tải, anh đã tìm đọc báo cáo về tình trạng ùn tắc giao thông ở các nước để xem nước nào làm tốt, đồng thời đọc báo xem họ làm tốt vì đã áp dụng chính sách gì. Nhờ thế, anh có nguồn dữ liệu và dẫn chứng phong phú, chân thực cho bài viết của mình.
Theo Thành, khi vốn từ vựng đủ đã đủ thì điểm 8.0 Writing chỉ là vấn đề ý tưởng mà thôi.
Một sự cố xảy ra với Thành trong ngày đi thi là chứng minh thư hết hạn do vừa sang tuổi 25. Thế là Thành không được vào phòng thi. Nhờ có hộ chiếu, Thành được chuyển ngày thi sang tuần kế tiếp.
Tới ngày thi chính thức, Thành tiếp tục gặp sự cố với bài Nghe. Vì ôn thi 100% bằng sách giấy nên Thành lúng túng khi làm bài thi trên máy tính. Kết quả Thành chỉ được 8.0.
Thất vọng với số điểm này, Thành quyết định thi lại kỹ năng nghe và dành ra 2 ngày để luyện cách làm bài trên máy. Cuối cùng anh đạt 9.0 như mong muốn.
Với phần Reading, Thành tự tin không thể dưới 9.0 do đã có kinh nghiệm nhiều năm dạy học sinh thi tốt nghiệp THPT. Thành cho biết chưa bao giờ phải cố dùng các cấu trúc khó. Để đạt điểm tối đa, Thành cho rằng chỉ cần không sai lỗi cơ bản và dùng thêm mệnh đề quan hệ là đủ.
Riêng Speaking, Thành nhờ sự hỗ trợ từ bạn gái. Anh và bạn gái có "luật" là phải nói tiếng Anh 100% với nhau. Ai lỡ nói tiếng Việt 5 lần là phải rửa bát.
"Hồi mới tập bọn mình nói cũng nhiều lỗi lắm, nhưng dần dần mức độ lưu loát tăng lên rõ rệt. Do đó, nếu cần nâng cao kỹ năng nói, bạn cần cố gắng tìm một đối tác như vậy", Thành tiết lộ.
Từ kinh nghiệm của mình, Thành chia sẻ những bí quyết để đạt kết quả IELTS cao. Một trong những vấn đề mà thầy giáo Gen Z nhấn mạnh là việc học từ vựng. Theo anh, ban đầu học sinh có thể học các dạng Reading để hiểu đề. Song việc "cày đề" sẽ là vô nghĩa nếu vốn từ vựng không tăng thêm.
Trước khi thi một vài tháng, học sinh có thể làm 1-3 đề mỗi tuần. Mỗi đề làm xong, học sinh cần xem xét lại kỹ các câu sai, tìm ra được nguyên do để có hướng giải quyết.
Bên cạnh đó, học sinh nên làm một file excel để ghi chép lại tất cả các lỗi sai gồm 1 cột ghi "tình huống" (mô tả lỗi sai), 1 cột ghi "cách khắc phục", từ đó tiến bộ qua từng đề.
Bên cạnh đó, học sinh nên tập thói quen tự nói với bản thân.
"Khi mới học không ai sẽ sẵn sàng làm đối tác với các bạn đâu, nhưng các bạn có chính mình mà. Bản thân các bạn là một đối tác tuyệt vời, người sẵn sàng để cho bạn nói 100% và không bao giờ đánh giá nếu bạn nói kém.
Mình nhớ lớp 12 mình mới chuyển từ khối A sang A1, nhưng mình cũng thích nói thế là trên đường đạp xe đến trường lúc nào mình cũng lẩm nhẩm tự nói.
Đừng nản khi nói kém, luyện tập có thể thay đổi mọi thứ. Nếu bạn không nói được tốt thực ra là vì các bạn chưa nói đủ nhiều chứ không phải không nói được", thầy giáo Phùng Tiến Thành đưa ra lời khuyên.