Bệnh phổi có thể xảy ra khi phổi bị tổn thương do yếu tố môi trường hoặc thói quen sống không lành mạnh. Nguy cơ mắc bệnh phổi gia tăng theo tuổi tác, lối sống. Thạc sĩ, bác sĩ Đào Phương Thúy, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết 6 thói quen mà nhiều người thường mắc phải dưới đây không tốt cho phổi.
Hút thuốc lá
Hút thuốc là nguyên nhân chính gây tổn thương phổi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi và nhiều bệnh hô hấp khác. Hóa chất độc hại trong thuốc lá làm tổn thương niêm mạc phổi, gây viêm nhiễm và giảm khả năng trao đổi oxy. Khói thuốc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến phổi, nhất là trẻ em, người cao tuổi và thai phụ. Bỏ thuốc lá có thể cải thiện chức năng phổi, giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp đáng kể.
Tiếp xúc với không khí ô nhiễm
Ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi. Bụi mịn (PM2.5), hóa chất từ sản phẩm tẩy rửa, khói bếp than hay khí thải công nghiệp đều có thể gây viêm, làm tăng nguy cơ tổn thương phổi theo thời gian. Để giảm nguy cơ, bác sĩ Thúy khuyến cáo đảm bảo không gian sống thông thoáng, sử dụng máy lọc không khí, chọn lọc sản phẩm tẩy rửa trong gia đình. Khi ra ngoài, mọi người cần sử dụng khẩu trang để hạn chế tiếp xúc với bụi mịn.
Thở nông
Thở nông thường xảy ra khi cơ thể chỉ sử dụng phần trên của phổi để hô hấp, thay vì hít thở sâu bằng cơ hoành. Điều này khiến lượng không khí đi vào phổi bị hạn chế, làm giảm hiệu suất trao đổi khí, gây thiếu oxy cho cơ quan trong cơ thể. Thở nông thường thấy ở người bị căng thẳng, lo âu hoặc ngồi lâu một chỗ. Thói quen này cũng có thể làm tăng cảm giác căng thẳng, mệt mỏi. Thực hành các bài tập thở sâu như thở bằng cơ hoành hoặc thở chậm giúp cải thiện dung tích phổi và tăng cường lượng oxy cung cấp cho cơ thể.
Ăn uống không lành mạnh
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ phổi. Chế độ ăn thiếu rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và tổn thương phổi. Trái cây, rau xanh, cá và các loại hạt... là nguồn dinh dưỡng tốt cho hệ hô hấp. Ngoài ra, uống đủ nước giúp làm loãng dịch nhầy trong phổi, hỗ trợ quá trình đào thải độc tố.
Lười vận động
Hoạt động thể chất giúp tăng cường dung tích phổi, cải thiện khả năng trao đổi khí, nâng cao hệ thống miễn dịch. Người ít vận động có nguy cơ suy giảm chức năng phổi, dễ mắc bệnh hô hấp. Người trưởng thành nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần để vận động cường độ vừa phải nhằm duy trì sức khỏe hô hấp.
Không kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nhiều bệnh phổi phát triển âm thầm, chỉ được phát hiện khi ở giai đoạn nặng. Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm dấu hiệu bất thường, nhất là đo chức năng hô hấp, kiểm tra nồng độ oxy trong máu, chụp X-quang phổi. Người có triệu chứng như ho kéo dài, khó thở hoặc đau tức ngực cần đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |