Sáng 21/11, tại tọa đàm "Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, GS TS Nguyễn Xuân Yêm (Viện trưởng An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết xuất hiện rất nhiều vấn đề an ninh hình thành trên những tác động, nguy cơ phi quân sự (ví dụ như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, nguồn nước..).
An ninh phi truyền thống này thực chất là sự nối dài của an ninh quốc gia, của an ninh truyền thống và cấu thành thêm tổng thể của an ninh quốc gia.
Năm 2004, nhiều nguy cơ an ninh phi truyền thống đã xảy ra mà gần đây nhất là thiên tai, bão lũ, vấn đề môi trường, an ninh nguồn nước xảy ra trong tháng 9 liên quan đến cơn bão Yagi. Cùng với đó là nhiều cuộc tấn công mạng "rất dữ dội" nhằm vào các tập đoàn kinh tế lớn như PVOil, Vinadirec, Tổng công ty VNPost.
Theo ông Yêm, an ninh phi truyền thống đòi hỏi việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, cần sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.
Theo Viện trưởng, khó có thể phát triển bền vững nếu không nhận diện, phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống. Hiện khoảng 30 nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống đã, đang và sẽ nổi lên. Trong đó 5 nguy cơ cần phải lưu ý là vấn đề tội phạm xuyên quốc gia; an ninh kinh tế; an ninh môi trường, nguồn nước; an ninh y tế; an ninh mạng và an ninh xã hội.
Với an ninh kinh tế, theo ông, rất đáng lo ngại khi nguy cơ chệch hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm giảm tăng trưởng kinh tế, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vấn đề nợ công của nhà nước, địa phương, tội phạm về kinh tế cũng đe dọa an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp.
An ninh môi trường, nguồn nước gắn liền với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên như kiểu cơn bão Yagi vừa qua. Y tế, sức khỏe liên quan đến già hóa dân số, mất cân bằng giới tính, an toàn thực phẩm.
Ông ví dụ, thu nhập toàn tỉnh Yên Bái năm 2023 đạt 4.100 tỷ đồng song chỉ sau một tuần bão lũ quét qua địa phương này đã thiệt hại hơn 4.600 tỷ. Đây chính là nguy cơ làm giảm sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng của đất nước.
Ở cấp độ địa phương, đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, cho hay bão Yagi đổ bộ vừa qua đã cho thấy nguy cơ về an ninh nguồn nước, rủi ro về môi trường rất rõ ràng. Tuyên Quang khi đó đối diện với ngập lụt, mưa lớn diện rộng và thủy điện phải mở cả 8 cửa xả lũ.
Ông giả sử trong lúc bão lũ bắt buộc phải phá đập tràn chủ động hồ thủy điện Thác Bà thì không khác gì một "quả bom nước" trút xuống Tuyên Quang. Từ đó sẽ gây ra thiệt hại rất lớn, thậm chí cuốn trôi thành quả phát triển của địa phương nhiều năm qua.
Ông nói nêu dẫn chứng cụ thể như vậy để nhấn mạnh cần có biện pháp chủ động xử lý, phòng ngừa các nguy cơ an ninh phi truyền thống từ xa.
Theo ông Yêm, vấn đề an ninh phi truyền thống ở Việt Nam đang được triển khai ở nhiều nơi, với mỗi bộ, ngành chịu trách nhiệm một lĩnh vực riêng lẻ. Điều này dẫn đến sự phân tán và thiếu kết nối trong công tác quản lý và ứng phó. Với an ninh phi truyền thống, một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.
Vì vậy, ông cho rằng cần có một chiến lược tổng thể và đồng bộ để nâng cao năng lực quản lý an ninh phi truyền thống. Điều này bao gồm công tác đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh tuyên truyền.
An ninh phi truyền thống là việc bảo đảm an toàn, không có hiểm nguy cho con người, quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại trước các mối đe dọa có nguồn gốc phi quân sự như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khan hiếm nguồn lực, dịch bệnh lây lan nhanh, khủng hoảng tài chính, an ninh mạng, tội phạm nguy hiểm xuyên biên giới..
An ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, tuy là hai lĩnh vực khác nhau nhưng thực chất là một thể thống nhất. Cả hai cùng hướng đến mục tiêu chung là đảm bảo an ninh quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Phạm Dự