Chiều 16/12, đại diện Sở Tư pháp, TAND, Cục Thi hành án dân sự và Hội Trọng tài thương mại TP HCM ký kết quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động của Hội trọng tài thương mại tại TP HCM.
Ông Phan Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, cho biết, để hoàn thiện quy chế, Sở đã nhiều lần lấy ý kiến của cả 4 cơ quan, đơn vị. Việc phối hợp với Hội trọng tài thương mại TP HCM nhằm giải quyết các tranh chấp thương mại bằng con đường trọng tài một cách hiệu quả, giảm bớt áp lực cho ngành tòa án. Đồng thời, việc này cũng góp phần khắc phục những khó khắn vướng mắc trong giải quyết tranh chấp bằng phương pháp trọng tài thương mại.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Hội trọng tài thương mại TP HCM, cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, số lượng tranh chấp kinh tế và thương mại ngày càng gia tăng. Các thỏa thuận trọng tài đã trở thành lựa chọn phổ biến nhờ vào những ưu điểm như tiết kiệm chi phí, thời gian và tính bảo mật.
Trên thực tế, nhiều quan hệ tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết. Các lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, chủ yếu vẫn là giao dịch mua bán hàng hóa, bên cạnh các lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, bảo hiểm và tài chính ngân hàng...
Tuy nhiên, trọng tài thương mại vẫn tồn tại những hạn chế như nhiều phán quyết bị hủy bỏ. Do đó, việc phối hợp giữa Sở Tư pháp, TAND, Cục Thi hành án dân sự TP HCM với Hội đồng trọng tài sẽ giúp các cơ quan ban ngành và đơn vị cùng ngồi lại với nhau để tăng tính hiệu quả của các trung tâm trọng tài thương mại.
Hơn nữa, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 đã trao thẩm quyền cho Trọng tài thương mại được giải quyết các tranh chấp đất đai phát sinh từ hoạt động thương mại. Việc này giúp giảm áp lực cho tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp.
Luật sư Hậu cho biết thêm, Trọng tài thương mại Việt Nam đã được ghi nhận về kết quả hoạt động trên thị trường quốc tế. Hôm 20/11, Việt Nam trúng cử Uỷ ban luật thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2025-2031. Do đó, việc phối hợp của các sở ngành với Hội Trọng tài thương mại để tăng tính hiệu quả của Trọng tài thương mại sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tham gia nhiều công ước quốc tế.
Bình Nguyên