Bà Nguyễn Thị Diễm Trang, con gái nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, cho biết bố bà qua đời vào 12h50 hôm nay, tại nhà riêng ở TP HCM. Thời gian diễn ra tang lễ sẽ được thông báo sau khi thống nhất với các đơn vị liên quan.
Theo bà Trang, dù tuổi cao nhưng nhà nghiên cứu vẫn minh mẫn. Hàng ngày ông vẫn có thể tự vệ sinh cơ thể, đọc sách báo mỗi sáng ở phòng làm việc... Cách đây hơn một tuần, ông còn vui vẻ dự đám cưới của cháu ngoại.
Đại diện gia đình cho hay trước khi qua đời, ông vẫn còn trăn trở khi nhiều công trình nghiên cứu, triển lãm chưa được hoàn thiện như: chuyên đề Con đường tơ lụa, triển lãm bản đồ, biển đảo Việt Nam...
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920 tại Hà Nội. Ông từng tham gia cách mạng với vị trí Bí thư Bộ Kinh tế vào tháng 9/1945. Ông vào TP HCM sinh sống từ giữa thế kỷ trước (khoảng năm 1955), tích lũy nhiều kiến thức sâu rộng về vùng đất này.
Tại sự kiện kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP HCM (năm 1998), ông được lãnh đạo Thành ủy lúc đó mời tham gia thực hiện công trình nghiên cứu về địa chí thành phố, từng làm việc với nhiều nhà trí thức lớn như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng...
Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu và sách rất nổi tiếng về địa bạ và bản đồ. Suốt cuộc đời, ông dành thời gian nghiên cứu về địa lý, lịch sử vùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: 23 cuốn Địa bạ, Quân điền Bình Định, ba tập Tạp ghi Việt Sử Địa, Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức, Petrus Ký - Nỗi oan thế kỷ, Việt Nam quốc hiệu và cương vực, Hoàng Sa - Trường Sa...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng là người có bộ sưu tập bản đồ lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt ông quan tâm đến chủ quyền biển đảo và có bộ sưu tập bản đồ quý giá với hơn 3.000 bản đồ cổ, trong đó có nhiều tấm bản đồ thể hiện rất rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.
Cuối năm 2022, ông đã bán toàn bộ tác quyền cho Nhà xuất bản Trẻ. Lúc đó, ông cho biết khi mình qua đời, tiền tác quyền sẽ được chuyển vào Quỹ Văn hóa Sử Địa Nguyễn Đình Đầu do ông và gia đình sáng lập, quản lý. Quỹ sẽ được trích để tài trợ, làm phần thưởng cho những nhà nghiên cứu trẻ về văn hóa, sử, địa.
Lê Tuyết