Người phụ nữ đột quỵ thoát chết nhờ hàng xóm

Mỹ - Krista Figari, 39 tuổi, giáo viên sinh sống tại Manhattan, may mắn thoát chết sau cơn đột quỵ nhờ được phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời.


Tháng 4/2025, một năm sau khi phục hồi khỏi cơn đột quỵ, Figari quyết định chia sẻ câu chuyện và hình ảnh từ camera giám sát nhằm nâng cao nhận thức về các triệu chứng đột quỵ, đặc biệt ở người dưới 50 tuổi.


Vào một buổi sáng, khi đang dọn giường tại nhà, Figari bất ngờ ngã quỵ xuống sàn.


"Tôi ngã về phía tủ quần áo rồi đổ xuống sàn, không còn cử động được tay và chân. Cảm giác lúc đó rất lạ", cô nhớ lại. Dù không thể đứng dậy, cô vẫn lấy được điện thoại và gọi cho người anh họ sống gần đó, sau đó liên hệ với quản lý tòa nhà và gọi cấp cứu 911.


Quản lý tòa nhà không có chìa khóa để mở ổ khóa trên cùng của cửa chính, khiến Figari lo lắng vì biết tình hình thực sự nghiêm trọng. Cuối cùng, người quản lý - đồng thời là hàng xóm - nhận ra có thể tiếp cận căn hộ qua lối thoát hiểm. Anh bò qua cửa sổ và mở đường cho nhân viên y tế vào mà không cần phá cửa.


Tại Trung tâm Y tế NewYork-Presbyterian/Weill Cornell (NYP-WC), Figari được chẩn đoán bị đột quỵ khi vừa tỉnh dậy. Cô thừa nhận ban đầu rất bất ngờ: "Tôi nghĩ đột quỵ chỉ xảy ra với người già, không bao giờ nghĩ đến mình".


Theo các chuyên gia, đột quỵ khi thức dậy là một dạng đột quỵ thiếu máu cục bộ, xảy ra khi cục máu đông hoặc vật cản làm giảm lưu lượng máu lên não. Khoảng 20% các ca đột quỵ thiếu máu cục bộ thuộc loại này. Triệu chứng thường chỉ được phát hiện khi bệnh nhân tỉnh dậy, do đó khó xác định thời điểm chính xác cơn đột quỵ xảy ra.


Bác sĩ Nicholas Janocko, chuyên gia thần kinh tại NYP-WC, cho biết Figari được xác định bị đột quỵ "gần đây" và nhanh chóng được điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối.


Ông cho biết, nhờ có đủ nguồn lực và cơ sở hạ tầng để chụp MRI khẩn cấp, NYP-WC có thể điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân như Figari dù họ không đủ điều kiện theo cách thông thường.


"Nếu cô ấy đến một bệnh viện khác, hoặc đến muộn, rất có thể sẽ không được dùng thuốc tiêu huyết khối và phải sống với di chứng liệt nửa người bên trái", ông cảnh báo


May mắn thay, thuốc phát huy tác dụng chỉ trong vòng chưa đầy 15 phút, giúp Figari phục hồi khả năng vận động. Cô được xuất viện sau 5 ngày mà không cần vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp hoặc liệu pháp ngôn ngữ.


Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện Figari mắc chứng thông liên nhĩ (PFO) – một dị tật tim bẩm sinh phổ biến xảy ra khi lỗ giữa hai tâm nhĩ không đóng lại sau sinh. Khoảng 25% người trưởng thành có tình trạng này, nhưng đa số không xuất hiện triệu chứng. Figari kể lại: "Tôi rất năng động, tham gia nhiều môn thể thao và nhảy múa. Tôi bị hen suyễn, nhưng chỉ vậy thôi".


Theo bác sĩ Janocko, PFO được xem là nguyên nhân gây ra 55% ca đột quỵ ở người dưới 60 tuổi. Lỗ hở cho phép cục máu đông đi thẳng từ tim lên não, qua phổi mà không bị lọc, gây nguy cơ đột quỵ. Figari mắc PFO cấp độ 4 trong thang điểm từ 0 đến 5.


Tháng 7 năm ngoái, cô trở lại NYP-WC để thực hiện thủ thuật ít xâm lấn nhằm đóng lỗ hở này. Một thiết bị nhỏ được đặt trong tim nhằm ngăn cục máu đông đi qua, được xem như lời nhắc nhở vĩnh viễn về biến cố đã qua.


Hiện tại, sau một năm hồi phục, Figari đã quay lại luyện tập Pilates và Orangetheory Fitness, gần như bình phục hoàn toàn. Cô chỉ còn cảm giác yếu ở bên trái, nhất là khi viết, gõ phím hoặc vận động cần dùng tay trái. Figari hiện uống aspirin mỗi ngày để phòng ngừa đột quỵ tái phát, đồng thời sắp xếp để nhiều người thân quen giữ chìa khóa nhà, phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra.


Figari cho biết cô đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó nếu các triệu chứng tái phát và khuyến khích mọi người lắng nghe cơ thể mình.


"Nếu bạn cảm thấy điều gì đó không ổn, hãy tin vào trực giác và đi kiểm tra hoặc gọi cho ai đó để được giúp đỡ. Nếu chậm trễ, hậu quả có thể nghiêm trọng và kéo dài", cô nói.


Dù đột quỵ thường gắn với người cao tuổi, các ca ở người dưới 50 tuổi hiện chiếm khoảng 10–15% tổng số trường hợp. Theo bác sĩ Janocko, tỷ lệ này đang gia tăng do sự phổ biến của các yếu tố nguy cơ như béo phì, tăng huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ và lạm dụng chất kích thích.


Các chuyên gia khuyến nghị sử dụng từ viết tắt "BE FAST" để nhận biết dấu hiệu đột quỵ: B (Balance – thăng bằng): đột ngột mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động; E (Eyes – mắt): nhìn thấy hai hình của một vật (song thị), mờ mắt hoặc mất thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai mắt; F (Face – mặt): một bên mặt bị xệ khi cười; A (Arms – tay): một tay yếu hoặc tê, không thể giơ đồng đều hai tay; S (Speech – lời nói): nói lắp hoặc không rõ ràng; T (Time – thời gian): gọi cấp cứu ngay lập tức nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào trên.


Thục Linh (Theo NY Post)









Nguoi phu nu dot quy thoat chet nho hang xom


My - Krista Figari, 39 tuoi, giao vien sinh song tai Manhattan, may man thoat chet sau con dot quy nho duoc phat hien som va ho tro kip thoi.

Người phụ nữ đột quỵ thoát chết nhờ hàng xóm

Mỹ - Krista Figari, 39 tuổi, giáo viên sinh sống tại Manhattan, may mắn thoát chết sau cơn đột quỵ nhờ được phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá