Nghịch lý trẻ bụ bẫm nhưng suy dinh dưỡng

Trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng, thừa cân, béo phì nhưng suy dinh dưỡng do cơ thể thiếu vitamin, khoáng chất.


BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói như trên, thêm rằng tình trạng "no năng lượng, đói vi chất" đang ngày càng phổ biến ở trẻ em Việt Nam, trở thành "vấn nạn kép". Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy tỷ lệ trẻ em Việt thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần trong 10 năm, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Khoảng 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ thì có một trẻ thiếu sắt.


"Tỷ lệ thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng, nhưng nhiều trẻ vẫn thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng thiết yếu", bác sĩ Thủy nói.


Suy dinh dưỡng thể béo phì là dạng suy dinh dưỡng đặc biệt, khi trẻ có vẻ ngoài mũm mĩm nhưng thiếu hụt vi chất cần thiết như vitamin D, sắt, canxi hay protein. Nguyên nhân chính thường xuất phát từ chế độ ăn uống mất cân đối, lựa chọn thực phẩm không đầy đủ, đa dạng và chế biến không phù hợp.


Bác sĩ Yến Thủy giải thích nhiều trẻ có thói quen tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng, đường, chất béo nhưng nghèo vi chất dinh dưỡng. Đồ ăn nhanh như gà rán, pizza, bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn, kích thích vị giác, nhiều calo, khiến trẻ tăng cân nhanh nhưng lại không cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, trẻ ăn quá nhiều chất bột đường (cơm, sữa đặc có đường, bánh ngọt...), ít thịt và cá cũng gây thừa cân, béo phì nhưng thiếu protein. Đây là nguyên nhân dẫn đến trẻ thiếu máu nặng.


Trẻ không bú sữa mẹ đủ trong 6 tháng đầu đời cũng dễ dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất. Sữa mẹ chứa canxi, sắt, nhiều dưỡng chất dễ hấp thu, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Trẻ ít vận động, dành nhiều thời gian để xem các thiết bị điện tử có thể dẫn đến năng lượng nạp vào không được tiêu hao, tích tụ thành mỡ. Tuy nhiên cơ thể không nhận đủ chất để phát triển xương, cơ, hệ miễn dịch.


Như con gái 7 tuổi của chị Ngọc Linh (34 tuổi) bụ bẫm hơn trẻ đồng lứa, khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM bác sĩ chẩn đoán bé thiếu hụt nhiều vi chất cần thiết như sắt, canxi, vitamin D, A. Còn chị Hà, ngụ Đồng Nai, cũng bất ngờ khi con trai 4 tuổi, nặng 22 kg, được chẩn đoán thiếu máu, còi xương dù bé trông bụ bẫm, ăn uống tốt.


Cả hai bé cải thiện sức khỏe rõ rệt sau ba tháng áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung vi chất thiếu hụt kết hợp các bài tập, vui chơi theo hướng dẫn của bác sĩ. Xét nghiệm vi chất tại bệnh viện Tâm Anh sau đó cho thấy các chỉ số vi chất trong cơ thể hai bé dần ổn định trong ngưỡng bình thường.


Theo bác sĩ Yến Thủy, nhiều phụ huynh có tâm lý "béo mới khỏe" nên thường cho trẻ sử dụng sữa công thức, các món bổ dưỡng như yến sào, thực phẩm giàu đạm mà chưa chú ý cân bằng dinh dưỡng. Kết quả là trẻ tăng cân nhưng vẫn thiếu máu, còi xương hoặc chậm tăng chiều cao.


Suy dinh dưỡng thể béo phì tuy không đe dọa tính mạng ngay lập tức nhưng nếu không can thiệp kịp thời, trẻ có thể còi xương, lồng ngực biến dạng, gù lưng, mắc bệnh tiêu hóa, hô hấp khi lớn lên. Về lâu dài, nguy cơ tiểu đường, tăng huyết áp hay bệnh tim mạch cũng cao, theo bác sĩ Yến Thủy.


Phụ huynh cần điều chỉnh chế độ ăn và lối sống cho con. Xây dựng thực đơn đa dạng, cân đối dưỡng chất từ các nhóm thực phẩm gồm giàu chất xơ và vitamin, khoáng chất từ rau củ, protein, sắt, canxi từ thịt, cá, hải sản, đậu và chất béo lành mạnh từ dầu thực vật. Nên chế biến món ăn bằng cách hấp luộc hơn là chiên, nướng để hạn chế mất chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Hạn chế cho trẻ sử dụng đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và nước ngọt. Không nên ép trẻ ăn quá nhiều một loại thực phẩm, nên ăn đa dạng và kết hợp vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày như vui chơi, đi bộ, chạy bộ, đạp xe hay chơi thể thao.


Khi trẻ có dấu hiệu bất thường như hay mệt mỏi, da xanh xao, hay ốm vặt, tóc rụng, móng tay sần mất bóng..., phụ huynh nên đưa con đi khám. Các bác sĩ sẽ xét nghiệm vi chất trong cơ thể trẻ bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC, giúp xác định cơ thể trẻ đang thiếu, thừa dưỡng chất nào. Những trẻ lớn có thể đo thành phần cơ thể bằng máy InBody 770 cùng nhiều cận lâm sàng liên quan khác. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất phù hợp, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.


Phương Phạm


Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp







Nghich ly tre bu bam nhung suy dinh duong


Tre an nhieu thuc pham giau nang luong, thua can, beo phi nhung suy dinh duong do co the thieu vitamin, khoang chat.

Nghịch lý trẻ bụ bẫm nhưng suy dinh dưỡng

Trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng, thừa cân, béo phì nhưng suy dinh dưỡng do cơ thể thiếu vitamin, khoáng chất.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá