Lý do xe điện gần như `phủ kín` Na Uy

Cứ 10 ôtô mới bán ra ở Na Uy thì hơn 9 chiếc là xe điện, nhờ chính sách miễn thuế VAT, trạm sạc rộng khắp, trong khi thuế xe xăng quá cao.


Nổi tiếng với trữ lượng dầu khí khổng lồ ở Biển Bắc, Na Uy lại tiên phong trong quá trình chuyển đổi từ ôtô động cơ đốt trong sang xe điện ở châu Âu. Theo Hiệp hội Xe điện Na Uy (NEVA), khoảng 30% tổng số ôtô chở khách trên đường hiện đã hoàn toàn chạy bằng điện. Trong khi đó, tỷ lệ này tại thủ đô Oslo lên tới 40%.


Vì vậy, không có gì ngạc nhiên với người đi bộ khi chờ đèn đỏ và chứng kiến dòng xe điện yên tĩnh lao vun vút qua. Christina Bu, Tổng thư ký NEVA nói việc chuyển đổi diễn ra khá nhanh, đến nỗi một số người không thực sự nhận ra.


Tuy nhiên, lợi ích mang lại rất lớn. "Không khí trong lành, yên tĩnh hơn và là thay đổi không gây thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng. Họ thực sự yêu thích việc lái xe điện và nó hoạt động khá tốt", bà Bu nói.


Năm 2010, tỷ trọng xe điện trong tổng doanh số ôtô ở Na Uy chỉ dưới 1%. Đến năm ngoái, con số này đã là 88,9% và đà tăng trưởng không có dấu hiệu chậm lại. Cục Quản lý Đường bộ công cộng Na Uy cho biết xe điện chiếm hơn 93% doanh số xe mới bán ra đầu năm đến nay.


Để so sánh, xe điện chiếm 15,4% tổng doanh số xe mới tại Liên minh châu Âu giai đoạn đầu năm. Ở Mỹ, tỷ lệ này là 7,5% trong quý I, theo dữ liệu của Kelley Blue Book. Vậy, xe động cơ đốt bị thay thế ở Na Uy bằng cách nào?


Bộ trưởng Giao thông Vận tải Na Uy Cecilie Knibe Kroglund cho biết thành công của đất nước trong việc chuyển đổi sang xe điện nhờ vào việc hoạch định chính sách lâu dài và nhất quán. "Bên cạnh cơ sở hạ tầng, chúng tôi có nhiều ưu đãi thuế và tài trợ cho người dùng", bà Kroglund nêu.


Theo DW, Na Uy miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu xe điện - những khoản có thể chiếm từ một phần ba đến gần một nửa giá chiếc xe mới. Ôtô điện cũng được miễn phí sử dụng đường có thu phí và phí đỗ xe. Thậm chí, chúng còn được phép sử dụng làn đường dành cho xe buýt trong và xung quanh thủ đô Oslo.


Chính phủ nước này cũng đầu tư mạnh vào hạ tầng sạc công cộng và nhiều hộ gia đình ở Na Uy có thể sạc xe tại nhà. NEVA cho biết quốc gia 5,5 triệu dân này vừa đạt cột mốc 10.000 trạm sạc nhanh toàn quốc.


Bà Christina Bu nói không chỉ miễn thuế cho xe điện, Na Uy mặt khác liên tục tăng thuế ôtô chạy xăng dầu. Ba năm qua, thuế xe xăng đã tăng gấp đôi từ mức nền vốn đã cao. "Những chiếc xe gây ô nhiễm đang bị đánh thuế đến mức không thể tồn tại được ở Na Uy", bà nói.


Theo bà Bu, ưu đãi mạnh cho ôtô điện và đánh thuế rất cao với xe xăng dầu mà không cấm hoàn toàn là lựa chọn chính sách rất quan trọng. "Cấm đoán sẽ khiến mọi người tức giận. Mọi người không thích bị ra lệnh phải làm gì", bà lý giải.


Ngoài ra, việc Na Uy không có các nhóm vận động hành lang của các hãng sản xuất ôtô truyền thống, được cho là yếu tố giúp thúc đẩy tỷ lệ sử dụng xe điện nhiều năm qua. "Chúng tôi không phải là một quốc gia sản xuất ôtô nên việc đánh thuế xe hơi rất đơn giản", Ulf Tore Hekneby, CEO Harald A. Moeller, nhà nhập khẩu ôtô lớn nhất Na Uy cho biết.


Những chính sách này giúp các hãng xe điện ăn nên làm ra. Bất chấp doanh số suy giảm 6 tháng liên tiếp tại Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch và Italy, Tesla vẫn tăng trưởng đến 54% tại Na Uy vào tháng trước. Trong đó, riêng mẫu Model Y tăng đến 115,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.004 xe bán ra.


Các thương hiệu Trung Quốc cũng tìm thấy cơ hội. Năm ngoái, tổng thị phần của MG, BYD và XPeng tại nước này đã tăng lên 8,8%, từ mức 5,1% hồi 2023, theo tính toán của Reuters.


Tuy nhiên, con đường trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về ôtô điện của Na Uy cũng không tránh khỏi chỉ trích. Một số nhà lập pháp bày tỏ lo ngại về tính công bằng của các chính sách ưu đãi. Họ cho rằng chúng có thể mang lại lợi ích không tương xứng cho nhóm thu nhập cao và làm suy giảm các lựa chọn giao thông bền vững hơn như đi bộ hoặc xe đạp.


Ngoài ra, mật độ trạm sạc ở Na Uy chưa đồng đều, với lượng lớn hơn nhiều tập trung ở miền Nam so với vùng cực Bắc. Những người chỉ trích cảnh báo rằng lưới điện quốc gia có thể không chịu nổi áp lực của chúng khi phân bổ mất cân đối. Tuy nhiên, tốc độ mở trạm tiếp tục tăng nhanh, dần giải tỏa những quan ngại này.


Na Uy đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào 2030. Trong khi chuyển đổi sang xe điện, nền kinh tế này lại phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch. Điều đó tạo ra một nghịch lý so với những tuyên bố tham vọng xanh và đặt ra câu hỏi về vai trò thực sự của họ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, theo CNBC.


Định hướng sắp tới, Bộ trưởng Giao thông Cecilie Knibe Kroglund cho biết quốc gia Bắc Âu này có kế hoạch chuyển đổi hoàn toàn sang xe buýt điện trong đô thị trong 2025, đặt mục tiêu 75% phương tiện hạng nặng dùng năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này.


"Chúng ta phải thừa nhận rằng giao thông vận tải đóng vai trò trong biến đổi khí hậu. Tôi nghĩ khoảng 30% nguồn ô nhiễm đến từ lĩnh vực này nên chúng ta buộc phải hành động", ông Kroglund nói.


Phiên An (theo CNBC, Reuters)









Ly do xe dien gan nhu 'phu kin' Na Uy


Cu 10 oto moi ban ra o Na Uy thi hon 9 chiec la xe dien, nho chinh sach mien thue VAT, tram sac rong khap, trong khi thue xe xang qua cao.

Lý do xe điện gần như 'phủ kín' Na Uy

Cứ 10 ôtô mới bán ra ở Na Uy thì hơn 9 chiếc là xe điện, nhờ chính sách miễn thuế VAT, trạm sạc rộng khắp, trong khi thuế xe xăng quá cao.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá