Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết như trên trong bối cảnh Việt Nam ghi nhận hai trường hợp tử vong do bệnh ho gà tại Bình Phước và Đồng Nai vào cuối năm 2024 và đầu 2025. Bác sĩ giải thích kỹ các lý do cần phòng bệnh sớm, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết đang chuyển mùa đông - xuân như sau:
Tốc độ lây truyền nhanh
Bệnh ho gà do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra, có tốc độ lây lan cao hơn cúm. Trung bình, một người bệnh có thể lây cho 12-17 người, 80% người tiếp xúc với nguồn bệnh có thể bị lây. Thời gian lây nhiễm mạnh nhất xảy ra vào 2 tuần đầu sau khi có triệu chứng và dễ nhầm lẫn với các cơn ho thông thường, khiến người mắc bệnh chủ quan.
Tại Việt Nam, ho gà xảy ra rải rác trong năm, thường gặp vào mùa đông xuân. Thời tiết lạnh, chuyển biến thất thường, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, lây lan.
Dễ biến chứng ở trẻ em
Tại Việt Nam, khi chưa áp dụng tiêm chủng, bệnh ho gà thường xảy ra và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương. Trong vụ dịch, bệnh dễ trở nặng, gây tử vong do bội nhiễm, biến chứng viêm phổi, viêm phế quản phổi, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Ho gà có thể gây biến chứng ảnh hưởng thần kinh trung ương hiếm gặp hơn như co giật và bệnh não do thiếu oxy. Tổn thương não có thể dẫn đến các biến chứng liệt, tổn thương thính giác, thị giác hoặc rối loạn tâm thần cho trẻ.
Tỷ lệ người lớn mắc ho gà thấp hơn trẻ em. Tương tự trẻ nhỏ, người lớn có thể gặp biến chứng do ho gà như viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm, sút cân, ngừng thở, mất ngủ, tiểu không tự chủ, ho nặng gây gãy xương sườn.
Dễ lây lan trong gia đình
Mầm bệnh lây truyền trực tiếp thông qua đường hô hấp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Những người sinh hoạt trong cùng một gia đình, trường học... có tỷ lệ mắc bệnh 90-100% nếu không có miễn dịch.
Nguồn lây ho gà từ những người mắc bệnh, không có nguồn lây truyền ở người lành mang trùng hoặc người bệnh đang trong thời kỳ hồi phục. Mặt khác, dấu hiệu bệnh không điển hình ở trẻ lớn, người lớn, do đó, khả năng lây lan bệnh cao hơn. Mùa đông xuân với nhiều dịp lễ hội, trong đó có Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, giao thương gia tăng, sẽ thuận lợi để gia tăng các nguồn mang bệnh, khiến ho gà lây lan nhanh.
Tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt
Theo thống kê do Cục Y tế Dự phòng công bố tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế tổ chức hôm 27/12, toàn quốc có hơn 1.000 ca ho gà trong năm 2024, cao gấp 21,9 lần so với năm 2023.
Trong khi đó, tỷ lệ trẻ dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ các vaccine chỉ đạt 84,2%, thấp hơn mức yêu cầu để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Bác sĩ Chính cho biết việc này dẫn tới nguy cơ bệnh lây lan ở những trẻ chưa có miễn dịch và nhiễm trên các nhóm tuổi khác trong cộng đồng, tăng số ca nhập viện. Thực tế, Việt Nam đã ghi nhận ca tử vong hoặc trở nặng ở trẻ nhiễm ho gà hầu hết chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
Cách phòng bệnh
Cách phòng ho gà hiệu quả nhất là tiêm vaccine. Hiện, vaccine ho gà có ở các loại mũi tiêm phối hợp như 6 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, bại liệt), 5 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, bại liệt), 4 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt), 3 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván).
Trẻ em, người lớn cần tiêm chủng sớm và đúng lịch để phòng bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ suy giảm theo thời gian. Người lớn, trẻ em cần tiêm nhắc theo các cột mốc khuyến cáo, gồm nhắc lại khi 4-6 tuổi và 9-15 tuổi, sau đó mỗi 10 năm một lần.
Bình An