Trong vụ bắt giữ hồi cuối tháng 3, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá vụ lừa đảo được xây dựng cực kỳ phức tạp, tinh vi, rộng khắp 9 tỉnh nước này.
Các nghi phạm bị cáo buộc đi khắp các vùng nông thôn của đất nước, đưa cho dân làng những bản đồ kho báu vẽ tay trên những mảnh giấy cũ kỹ. Các bản đồ rất chi tiết và có các địa điểm ở gần, quen thuộc với nạn nhân.
Kẻ lừa đảo sẽ nói mình đến từ rất xa, nên gặp khó khăn trong việc định hướng khu vực có kho báu, sau đó đã đề nghị bán bản đồ để lấy tiền "bù lỗ". Nhưng đây chỉ là một nửa trong trò lừa đảo.
Sau khi nạn nhân mắc bẫy, nhóm tội phạm này biết rằng người mua bản đồ sẽ đi đào bới ở những địa điểm được đánh dấu trên bản đồ. Chúng sẽ liên lạc lại với nạn nhân để hỏi thăm cuộc săn tìm kho báu diễn ra như thế nào.
Các nạn nhân phấn khích sẽ khoe khoang về việc phát hiện những bức tượng vàng và tiền xu, được chính những kẻ lừa đảo chôn xuống từ trước. Nhóm này tiếp tục đưa ra lời đề nghị, sẽ giúp người dân liên hệ với một chuyên gia đồ cổ để định giá cổ vật.
Chuyên gia này, thực chất chỉ là một kẻ lừa đảo khác trong nhóm. Khi các nạn nhân gọi điện qua video để nhờ xem xét những chiến lợi phẩm, kẻ này sẽ luôn nói món đồ "cực kỳ giá trị". Nhưng hắn cũng sẽ cảnh báo với nạn nhân rằng, bán đồ cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ rất rủi ro vì có thể bị nhà nước tịch thu.
"Chuyên gia" sau đó sẽ tự giới thiệu có những mối liên hệ ở nước ngoài sẵn sàng trả giá cao, đặc biệt với các đồ bằng vàng. Hắn cũng đã yêu cầu nạn nhân chuyển trước một khoản hoa hồng cho mình để đảm bảo giao dịch.
Theo cảnh sát, việc trở nên giàu có đã làm lu mờ hầu hết tâm trí của nạn nhân, và nhiều người vui vẻ trả trước tiền. Sau khi tiền được chuyển đi, những kẻ lừa đảo cắt đứt mọi liên lạc. Những người dân nghèo khổ chỉ còn lại những món đồ điêu khắc bằng kim loại vô giá trị được nhuộm vàng.
Nhiều bằng chứng được cảnh sát thu giữ khi đột kích vào hang ổ của nhóm lừa đảo này, ở thành phố Tunceli, vùng phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có nhiều đồ kim loại giả cổ.
Hải Thư (Theo Haberler)