Sau đột quỵ (tai biến mạch máu não), người bệnh thường gặp khó khăn khi vận động, ngôn ngữ và tâm lý. Nếu được chăm sóc tại nhà đúng cách, người bệnh phục hồi chức năng tốt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống về lâu dài.
BS.CKI Đỗ Thị Thu Hằng, Đơn vị Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết ngay cả khi tai biến ở mức độ nhẹ, người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát nếu không được theo dõi, điều trị và chăm sóc đúng cách. Bên cạnh dùng thuốc và tái khám định kỳ theo chỉ định bác sĩ, người bệnh và người thân nên lưu ý 4 nhóm chăm sóc quan trọng.
Tuân thủ tập phục hồi chức năng - vật lý trị liệu
Sau giai đoạn cấp cứu, người bệnh cần được vận động sớm dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên hoặc người thân đã được huấn luyện. Các bài tập đơn giản như thay đổi tư thế nằm, xoa bóp tay chân, vận động thụ động khớp giúp máu lưu thông tốt hơn, phòng ngừa cứng khớp, teo cơ.
Khi thể trạng cải thiện, người bệnh có thể tập ngồi dậy, đứng lên, bước đi có người hỗ trợ hoặc dùng gậy. Nếu gặp khó khăn khi nói và diễn đạt, có thể luyện tập ngôn ngữ từ mức độ đơn giản như đọc số, gọi tên đồ vật đến các bài tập phức tạp hơn, tùy theo khả năng tiếp nhận.
Giữ vệ sinh cá nhân, phòng tránh loét tì đè
Vùng da của người bệnh sau đột quỵ cần được giữ sạch, khô thoáng để phòng ngừa loét da do tì đè, biến chứng thường gặp ở người bệnh nằm lâu. Khi tắm hoặc thay đồ, nên chọn nơi kín gió, dùng nước ấm vừa phải, thao tác nhẹ nhàng để không gây xây xát da. Trường hợp người bệnh không tự chủ đại tiểu tiện, có thể dùng bô hoặc tã lót. Tuy nhiên, cần vệ sinh ngay sau mỗi lần đi vệ sinh, thay tã đúng cách để tránh viêm nhiễm.
Dinh dưỡng hợp lý, đủ dưỡng chất
Người bệnh nên ăn các món mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sinh tố, chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày để tránh đầy bụng. Bữa ăn nên cân đối dinh dưỡng với thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và đạm tốt như cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh, trái cây tươi. Hạn chế muối, đường, chất béo bão hòa và thức ăn chế biến sẵn. Đồng thời, người bệnh uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ tuần hoàn, phòng táo bón - tình trạng dễ gặp ở người bệnh nằm lâu, ít vận động.
Chăm sóc tâm lý, tinh thần
Người sau tai biến thường có cảm giác buồn bã, mặc cảm hoặc mất tự tin. Bác sĩ Hằng khuyên người thân nên thường xuyên trò chuyện, động viên, tạo cảm giác an toàn và đồng hành trong quá trình hồi phục. Nếu người bệnh có biểu hiện trầm cảm như chán ăn, mất ngủ, không hứng thú với các hoạt động thường ngày nên trao đổi với bác sĩ để được hỗ trợ tâm lý kịp thời.
Ngoài chăm sóc hàng ngày, bác sĩ Thu Hằng khuyến cáo người từng bị tai biến cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu bằng cách dùng thuốc đều đặn, không tự ý bỏ thuốc, tái khám đúng hẹn. Người bệnh nên duy trì lối sống khoa học, ngủ đủ giấc, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, tập luyện thể chất nhẹ nhàng như đi bộ hoặc đạp xe tại chỗ.
Người có nguy cơ cao tái phát đột quỵ nên thực hiện các xét nghiệm đánh giá mạch máu não định kỳ bằng phương pháp MRI hoặc CT để phát hiện sớm bất thường. Khi xuất hiện lại các triệu chứng như tê yếu nửa người, nói khó, méo miệng, chóng mặt, mất thăng bằng, người bệnh cần nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế uy tín để kịp thời can thiệp, điều trị.
Phương Phạm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |