Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2024 có tổng cộng 15 kháp đấu vô cùng kịch tính, thu hút đông đảo khán giả, du khách đến xem.
Các trâu trước khi “dự hội” phải vượt qua ít nhất 3 lần kiểm tra về sức khỏe, đánh giá mức độ an toàn. Trâu nào không đảm bảo các tiêu chí, có biểu hiện hung dữ sẽ bị loại và chủ trâu phải có phương án thay thế bằng trâu khác.
Đến với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, bên cạnh sự phấn khích khi được tận mắt chứng kiến những đòn đánh hiểm hóc của các “ông trâu”, người dân, du khách còn rất hào hứng, sẵn sàng chi tiền triệu để mua thịt trâu chọi lấy may.
Theo truyền thống, tất cả trâu tham gia lễ hội đều sẽ được ngả thịt để bán cho người dân, du khách ngay sau mỗi kháp đấu. Riêng trâu đoạt giải Nhất, Nhì sẽ được hiến tế vào ngày hôm sau.
Khu vực bán thịt trâu chọi có lực lượng giám sát chặt chẽ, nhằm tránh tình trạng "tuồn" thịt trâu từ ngoài vào bán cùng thịt trâu chọi.
Theo khảo sát, năm nay, mức giá thịt trâu ở những kháp đấu đầu tiên được bán khoảng 2 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, càng về sau, khi thịt trâu chọi có nhiều, giá bán giảm xuống còn 1,2 -1,5 triệu đồng/kg, tuỳ vị trí thắng thua. Trong khi đó, giá trâu chọi năm ngoái và nhiều năm trước được bán với giá dao động từ 1,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/kg.
So với thịt trâu ngoài thị trường, giá thịt trâu chọi cao gấp nhiều lần, nhưng vẫn rất đông người chen chân mua vì nhiều người quan niệm rằng, ăn thịt trâu chọi sẽ mang lại sự may mắn, thịnh vượng.
Chị Trần Thị Diễm (trú tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng) cho biết, năm nay chị mua 10kg thịt trâu chọi để biếu họ hàng, bạn bè lấy may. Trâu chọi được chăm sóc cẩn thận, rèn luyện thường xuyên lại được kiểm định kỹ lưỡng nên dù giá cao hơn so với thịt trâu thường chị vẫn sẵn sàng chi tiền gần 20 triệu để mua.
Chị Phạm Thị Hoa (đến từ Thanh Hoá) chia sẻ: “Đã lặn lội đường xa đến để xem chọi trâu thì không về ‘tay không’ được. Dù giá thịt trâu chọi khá cao nhưng tôi vẫn mua vài cân về để cả gia đình thưởng thức và lấy may”.