Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên lần thứ 29 (COP29) đang diễn ra tại Azerbaijan.
Liên Hợp Quốc (UN) cho biết ngày 20/11, hơn 50 chính phủ đã ký tuyên bố nhằm thúc đẩy ngành du lịch thân thiện hơn với khí hậu. Tuy nhiên, danh sách này chưa được công bố.
"Hôm nay, chúng ta đã đạt được cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên được đưa vào Chương trình nghị sự hành động của Hội nghị về biến đổi khí hậu của UN", bà Zoritsa Urosevic, Giám đốc điều hành du lịch UN, cho biết.
Các quốc gia cũng đưa ra cam kết NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định). Bản NDC cập nhật tiếp theo bao hàm các chính sách giảm lượng khí thải sẽ công bố vào tháng 2 tới.
Du lịch chiếm 3% GDP và là nguồn phát thải 8,8% khí nhà kính toàn cầu. Ngành này thường chiếm phần lớn nguồn thu ngoại tệ của các nước, nhất là các nước đang phát triển, đồng thời chịu ảnh hưởng từ các hiện tượng khí hậu như bão, nắng nóng và hạn hán.
Tuyên bố đi kèm một số sáng kiến. Liên minh Khách sạn Bền vững Thế giới (WSHA) chia sẻ khung hành động của họ nhằm đo lường và báo cáo dữ liệu gồm lượng khí thải nhà kính, mức tiêu thụ nước, chất thải và mức sử dụng năng lượng trên toàn ngành. Liên minh này đại diện cho 55.000 khách sạn với hơn 7 triệu phòng, gồm những tên tuổi lớn như Accor, Hilton, Marriott.
Marriott International cho biết một trong các sáng kiến của họ là lồng ghép báo cáo tác động môi trường với đối tượng du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện). Lượng khí thải và nước trong sự kiện sẽ được gửi tới khách hàng, kèm theo lựa chọn bù đắp carbon qua các dự án được xác minh bởi bên thứ ba.
Giám đốc điều hành WSHA Glenn Mandziuk cho biết dữ liệu sẽ giúp ngành du lịch và du khách hiểu được tác động của họ tới khí hậu.
Bảo Bảo (theo Reuters)