Ngày 28/3, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Trung tâm Mắt công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh nhân đến khám với các nốt mụn nước ngoài da đã lành. Tuy nhiên, mắt trái bị hở mi, không thể khép chặt, nhãn cầu căng khi sờ nắn. "Giác mạc mắt trái của bệnh nhân đã bị loét, hoại tử nặng, không nhìn thấy các tổ chức phía sau và mất thị lực hoàn toàn", bác sĩ Hiệp nói.
Bệnh nhân cho biết bị nổi mụn nước ở một nửa khuôn mặt bên trái, lan qua mắt và lên đến đỉnh đầu vào khoảng 10 ngày trước nhập viện. Ông tự mua thuốc và sử dụng tại nhà, vẫn cảm thấy đau nhức và chảy nước mắt, nhìn mờ sau khi mụn nước đã lành.
PGS Hiệp cùng ê kíp đã phẫu thuật để ngăn hoại tử lan rộng, tránh đau nhức cho người bệnh. Bác sĩ giữ lại phần vỏ củng mạc, nhóm cơ vận nhãn... để hỗ trợ đặt mắt giả cho bệnh nhân sau này. Sau phẫu thuật, ông Quân theo dõi nội trú và thực hiện một số kiểm tra đánh giá tình trạng bệnh zona thần kinh, được xuất viện khi sức khỏe ổn định.
Zona thần kinh (giời leo) là bệnh nhiễm trùng do virus Varicella-Zoster gây ra. Virus này đồng thời là virus gây bệnh thủy đậu. Mầm bệnh ẩn trong các hạch thần kinh sau khi khỏi thủy đậu, tái hoạt động khi cơ thể suy giảm miễn dịch, gây bệnh zona thần kinh. Người có nguy cơ cao mắc zona gồm tuổi cao, suy giảm miễn dịch do mắc các bệnh lý như HIV/AIDS, ung thư, đái tháo đường, sử dụng thuốc hoặc liệu pháp điều trị gây ức chế miễn dịch...
Zona thần kinh ở mắt xảy ra khi virus tấn công dây thần kinh V, làm tổn thương nhánh dây thần kinh thị giác. Bệnh có thể gây viêm kết, giác mạc, viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp, viêm dây thần kinh thị giác... với các biểu hiện sưng đỏ, nhìn mờ, đau nhức mắt. Biến chứng nghiêm trọng nhất, bệnh có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
Bệnh Zona thần kinh tại mắt phát triển qua 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể cảm thấy đau, rát, ngứa hoặc châm chích quanh trán, mi trên, mũi, có thể kèm theo sốt. Giai đoạn bùng phát, người bệnh mọc mụn nước dọc theo dây thần kinh, thường ở một bên vùng mặt và mắt, khô lại, đóng vảy sau 7-10 ngày. Mắt có thể bị đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ.
Theo PGS Hiệp, đa số người bệnh chỉ đi đến khám khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn 2 với các dấu hiệu cảnh báo biến chứng như đau nhức mắt dữ dội, mắt sưng đỏ, chói, chảy nước mắt, nhìn mờ...
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân đi khám ngay khi thấy cơ thể xuất hiện các mụn nước zona thần kinh ở vùng mặt. Người bệnh cần chú ý không chạm tay lên mắt khi có tổn thương zona trên mặt, tránh để mụn nước vỡ gây chảy dịch vào vùng mắt.
Hiện bệnh zona thần kinh có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Theo bác sĩ Bạch Thị chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, mũi tiêm dành cho người từ 50 tuổi hoặc nhóm từ 18 tuổi và có nguy cơ cao mắc zona thần kinh. Vaccine có hiệu quả phòng ngừa bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi và đến 87% ở người từ 18 tuổi. Vaccine cũng giúp giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác hơn 90%.
Người từ 50 tuổi trở lên tiêm hai mũi, cách nhau hai tháng. Người từ 18 tuổi và nguy cơ cao mắc zona thần kinh, tiêm hai mũi cách nhau một tháng.
Bệnh zona thần kinh có thể tái phát, tỷ lệ lên đến 30% ở người già, người bị suy giảm miễn dịch, có bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu... Do đó, người đã mắc bệnh vẫn cần tiêm vaccine để ngăn ngừa tái phát zona thần kinh.
Khuê Lâm
*Tên nhân vật được thay đổi.