Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi đường thở xuất hiện dị vật hoặc mắc các bệnh hô hấp, giúp đẩy bụi bẩn, vi sinh vật và tác nhân gây hại ra ngoài. BS.CK2 Ngô Trần Quang Minh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp kiêm Giám đốc Chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8, cho biết ho khạc mủ hôi kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng như áp xe phổi.
Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở mô phổi, sau khi mắc các bệnh viêm nhiễm cấp tính như viêm phổi, tắc mạch phổi nhiễm khuẩn... Nhu mô phổi của người bệnh bị hoại tử, lâu ngày hình thành dịch mủ và các ổ áp xe chứa mủ, xác bạch cầu chết, các vi sinh vật gây bệnh.
Bệnh thường tiến triển âm thầm, sau nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Triệu chứng điển hình thường gặp như ho dai dẳng, khạc đờm mủ có mùi hôi tanh, sốt cao, đau ngực, đổ mồ hôi đêm, sụt cân, mệt mỏi toàn thân. Nguy cơ thường cao hơn ở người có bệnh sử viêm phổi. Mủ hôi thường do vi khuẩn kỵ khí gây ra, đôi khi kèm máu hoặc màu nâu sẫm. Nếu ổ mủ vỡ vào phế quản, với lượng lớn, bệnh nhân có nguy cơ ngạt thở hoặc nhiễm trùng lan rộng.
Theo bác sĩ Minh, người bị áp xe phổi được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể tiến triển tốt, khỏi bệnh nhưng để lại sẹo xơ phổi. Nếu không can thiệp sớm, bệnh có thể dẫn đến suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, tràn mủ màng phổi, tử vong. Người lớn tuổi, mắc bệnh nền như tiểu đường, suy giảm miễn dịch hoặc nghiện rượu, thuốc lá dễ gặp biến chứng nặng hơn.
Nguyên nhân gây áp xe phổi thường bắt nguồn từ nhiễm trùng do vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae hoặc vi khuẩn kỵ khí. Bệnh có thể khởi phát từ viêm phổi không được điều trị đúng cách hoặc do hít phải dị vật, trào ngược dạ dày, nhiễm trùng từ răng miệng lan xuống phổi.
Nếu bị ho khạc ra mủ, có mùi hôi tanh kéo dài, người bệnh nên đến chuyên khoa hô hấp hay nội tổng hợp khám sớm. Bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, kịp thời điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm. Dựa trên khám lâm sàng, bác sĩ chỉ định chụp X-quang phổi hoặc CT ngực để xác định vị trí và mức độ tổn thương. Bác sĩ có thể xét nghiệm đờm, xét nghiệm máu để tìm tác nhân gây bệnh, đánh giá mức độ và định hướng điều trị cụ thể.
Bác sĩ thường điều trị áp xe phổi ở giai đoạn đầu bằng kháng sinh phổ rộng, sau đó điều chỉnh kháng sinh theo kết quả cấy vi khuẩn trong vòng 4-6 tuần tùy mức độ bệnh. Trường hợp nặng, bác sĩ có thể dẫn lưu mủ qua da hoặc nội soi phế quản để hút mủ, phẫu thuật nếu ổ áp xe lớn, không đáp ứng thuốc. Hỗ trợ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và vật lý trị liệu hô hấp cũng đóng vai trò quan trọng để phục hồi chức năng phổi cho người bệnh.
Để phòng ngừa áp xe phổi, mỗi người nên vệ sinh răng miệng kỹ, tránh hít phải khói bụi, bỏ thuốc lá, điều trị triệt để bệnh hô hấp cấp tính như viêm phế quản, viêm phổi... Tiêm ngừa vaccine phế cầu, vaccine cúm cũng giảm nguy cơ nhiễm trùng phổi. Người có bệnh nền kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe tổng thể là yếu tố then chốt.
Phương Phạm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |