Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan kiểm tra doping phát hiện những điểm bất thường trong mẫu máu của Ikeda lấy ngày 20/6/2023, và trong thời gian từ 16/8 đến 13/9/2023. Đã có dấu hiệu của việc VĐV này thao túng máu.
Ikeda, người đã bị đình chỉ thi đấu từ tháng 11/2024, phủ nhận các cáo buộc và có quyền kháng cáo lên Tòa Trọng tài Thể thao (CAS). Tuy nhiên, khả năng giảm án rất thấp vì thao túng máu là một dạng vi phạm doping nghiêm trọng.
Thao túng máu gồm các hành vi tăng cường khả năng vận động thông qua việc thay đổi thành phần máu như truyền máu, sử dụng chất kích thích để sản sinh hồng cầu, sử dụng các chất thay thế máu hay làm loãng máu để giấu doping.
Án cấm này khiến Ikeda không thể tham dự giải vô địch đi bộ Nhật Bản ngày 16/2. Ngoài ra, tất cả kết quả thi đấu của Ikeda từ ngày 20/6/2023 đến 1/11/2024 đều bị hủy bỏ.
AIU phát hiện ra hành vi của Ikeda nhờ theo dõi Hộ chiếu sinh học (ABP) của anh. Đây là công cụ được Cơ quan chống doping quốc tế (WADA) giới thiệu vào năm 2009 để chống lại việc một số VĐV tìm cách qua mặt các phương pháp xét nghiệm doping truyền thống, bằng cách sử dụng doping theo chu kỳ hoặc dùng các phương pháp khó phát hiện như truyền máu hay sử dụng chất kích thích tăng hồng cầu EPO.
Việc bị phát hiện dùng doping qua ABP đồng nghĩa Ikeda có dấu hiệu thao túng máu trong thời gian dài. Vì thế, anh có thể bị tước những thành tích quan trọng trong sự nghiệp như HC bạc Olympic 2020, HC bạc giải vô địch thế giới 2022.
Các VĐV Nhật Bản hiếm khi bị phát hiện sử dụng doping vì nước này có tiêu chuẩn nghiêm ngặt về đạo đức và kiểm soát doping. Nhật Bản cũng có quan điểm cứng rắn với các hành vi gian lận trong thể thao. Ở Olympic mùa đông 2018, VĐV trượt băng Kei Saito từng bị loại khỏi đại hội vì dương tính với thuốc lợi tiểu acetalozamide. Năm 2020, đô vật Takahiro Shimonaka bị cấm thi đấu vì dương tính với tamoxifen. Đó là những trường hợp bị phát hiện dùng doping hiếm hoi của thể thao Nhật Bản.
Vĩnh San (theo Reuters)