Hành trình 30 năm vươn lên của người thầy từng làm bảo vệ

TP HCM - Bỏ học từ lớp 11, từ vị trí bảo vệ, thầy Hùng học bổ túc, rồi đại học Sư phạm Toán - Tin, lấy bằng thạc sĩ, trước khi được tôn vinh nhà giáo tiêu biểu của thành phố.


Ông Trần Thế Hùng, 61 tuổi, chuyên viên phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, là một trong 50 người nhận giải thưởng Võ Trường Toản của thành phố năm nay. Giải thưởng nhằm vinh danh những nhà giáo đóng góp tích cực cho ngành giáo dục.


Biết tin, ông xúc động và có phần bất ngờ vì được đồng nghiệp tin tưởng, đề cử.


"Đây là giải thưởng rất ý nghĩa, điểm nhấn với tôi trong suốt 35 năm làm việc ở Sở. Quá trình rất dài mà nhìn lại như mới hôm qua", ông chia sẻ.


Ông kể năm 1985, khi đang học lớp 11 thì nghỉ vì gia cảnh khó khăn. Bố mẹ ông làm thợ may, không đủ nuôi 6 người con. Những năm tháng bao cấp, thiếu ăn thiếu mặc, là anh cả, ông không biết làm gì giúp gia đình ngoài việc giảm bớt gánh nặng ăn học. Trùng hợp, thời điểm đó, thành phố động viên thanh niên đăng ký nghĩa vụ quân sự nên ông xin đi.


"Bố mẹ phản đối dữ lắm. Nhưng nghe tôi trình bày thì cũng đành chịu, lúc đó khó khăn quá", ông nói.


Xuất ngũ sau 3-4 năm huấn luyện và làm việc, ông Hùng được bạn giới thiệu đến làm bảo vệ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi đến nhận việc, ông lại được gợi ý làm công việc văn thư lưu trữ. Trong lúc phân vân, ông được gọi sang làm bảo vệ ở Sở Giáo dục và Đào tạo.


Khi đến Sở Giáo dục, người đầu tiên mà ông gặp là Chánh văn phòng Nguyễn Thái Sinh. Ấn tượng về một người quản lý hiền hậu, ông Hùng "chốt" việc, năm 1989.


Ông kể những ngày đầu, chưa nhớ mặt mọi người nên thường kiểm tra giấy tờ khi có ai ra vào. Một buổi sáng sớm, có người gọi mở cổng để vào họp, ông cũng yêu cầu tương tự.


"Khi xem giấy tờ biết đó là phó giám đốc, tôi bèn xin lỗi rối rít, thấp thỏm lo bị cho nghỉ việc. Nhưng hành động của tôi được khen là làm đúng nhiệm vụ", ông nhớ lại.


Làm bảo vệ được 2-3 năm, ông Hùng có dịp hỗ trợ sắp xếp hồ sơ thi đua ở văn phòng. Nhờ đồng nghiệp hướng dẫn, giải quyết công việc ổn thỏa, ông được cấp trên tin tưởng, chuyển sang làm chỉnh lý hồ sơ lưu trữ, rồi đến công việc văn thư, đóng dấu giấy tờ.


Bước ngoặc đến với ông vào năm 1996, khi Sở thành lập phòng Khảo thí (tiền thân của phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng), chuyên về thi cử, tuyển sinh. Ông trở thành nhân sự đầu tiên của phòng, được giao phụ trách tiếp dân, xác minh văn bằng, chứng chỉ, hỗ trợ công tác tuyển sinh của ngành.


Trong quá trình làm việc, ông nhận thấy mình mất căn bản, ái ngại vì làm trong môi trường giáo dục nhưng chưa học đến nơi đến chốn. Ông nghĩ bổ sung trình độ học vấn là trách nhiệm với công việc, cũng là chìa khóa mở ra tương lai.


"Không có con đường nào khác, tôi quyết tâm vừa học vừa làm", ông Hùng kể. Ban ngày làm việc, tối đến ông Hùng đi học bổ túc giáo dục thường xuyên. Để thuận tiện, ông xin ở lại cơ quan hỗ trợ công tác bảo vệ ban đêm. Trong thời gian đó, ông tranh thủ lấy sách vở ra học bài.


Tốt nghiệp, ông Hùng lại nghĩ chỉ có bằng cấp 3 thì "kỳ quá" nên quyết tâm dành hơn 6 tháng ôn thi, rồi đỗ vào ngành Toán-Tin, trường Đại học Sư phạm TP HCM, theo hệ vừa học vừa làm, năm 2007.


"Việc học như leo núi, rất thử thách nhưng vượt qua được lại thấy mãn nguyện", ông Hùng nhìn nhận. Theo ông, sự kiên nhẫn, nghiêm túc là điều quan trọng hàng đầu khi đi học. Nhiều bài khó, ông cố gắng giải đến khi hiểu mới thôi. Sau đó, ông phân loại các dạng bài để dễ nhận diện.


Để không ảnh hưởng đến công việc, ông lên kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý. Mỗi ngày đều có gạch đầu dòng việc cần làm, kết quả và tiến độ cần đạt. Hôm nào chưa xong thì đi học về, ông quay lại Sở làm cho hết việc.


"Tôi phân biệt rõ ràng việc của cơ quan và việc của bản thân mình. Đi học là việc của mình, nhất quyết không để ảnh hưởng đến cái chung", ông cho hay.


Tốt nghiệp đại học năm 2011, ông mới được tham gia kỳ thi và trúng tuyển viên chức, vào biên chế. Để nâng cao trình độ, ông tiếp tục học và lấy bằng thạc sĩ về quản lý khoa học công nghệ.


"Tôi tự đặt ra mục tiêu rồi cố gắng rèn luyện. Bao nhiêu tiền làm được đều đầu tư cho việc học, đôi khi phải xin thêm gia đình. May mắn bố mẹ đều ủng hộ", ông nói


Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ấn tượng với thầy Hùng ngay từ những ngày đầu công tác ở Sở. Lúc bấy giờ, ông Hùng thường kẹp theo sách hay tài liệu bên hông mỗi khi hướng dẫn, đón khách đến Sở làm việc.


"Đây là tấm gương mà tôi hay nhắc với các bạn trẻ, phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên, không nên tự hài lòng với chính mình. Học là con đường ngắn nhất để thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Câu chuyện của anh Hùng là minh chứng cho điều này", ông Hiếu nói.


Theo Giám đốc Sở, những công việc ông Hùng phụ trách như kiểm tra, chứng thực văn bằng, cung cấp bản sao đều có quy định về thời gian trả kết quả, hồ sơ cho người dân. Với trí nhớ tốt, cần cù, ông Hùng làm việc rất hiệu quả.


Chuẩn bị về hưu vào đầu năm tới, song hành trình học tập của ông Hùng chưa dừng lại. Ông đã vạch ra kế hoạch học thêm các lớp về kế toán, tài chính, kiểm định chất lượng sản phẩm, tham gia công tác khuyến học, thiện nguyện ở địa phương.


"Công việc là người bạn của tôi. Tôi học được từ công việc và nó cũng thôi thúc tôi rèn luyện, thử thách với chính mình", ông nói.


Lệ Nguyễn









Hanh trinh 30 nam vuon len cua nguoi thay tung lam bao ve


TP HCM - Bo hoc tu lop 11, tu vi tri bao ve, thay Hung hoc bo tuc, roi dai hoc Su pham Toan - Tin, lay bang thac si, truoc khi duoc ton vinh nha giao tieu bieu cua thanh pho.

Hành trình 30 năm vươn lên của người thầy từng làm bảo vệ

TP HCM - Bỏ học từ lớp 11, từ vị trí bảo vệ, thầy Hùng học bổ túc, rồi đại học Sư phạm Toán - Tin, lấy bằng thạc sĩ, trước khi được tôn vinh nhà giáo tiêu biểu của thành phố.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá