Đây là điểm mới trong dự thảo thay thế Thông tư 23/2017 về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam, được Bộ Giáo dục và Đào công bố ngày 23/11.
Ảnh chụp thí sinh được cập nhật trên trang thông tin điện tử của kỳ thi, cùng thông tin cá nhân để các đơn vị sử dụng chứng chỉ có thể tra cứu, xác minh. Bộ cho rằng đây là giải pháp để đảm bảo an toàn, tin cậy, công bằng cho kỳ thi.
Ngoài ra, đơn vị được cấp phép có thể liên kết với đối tác để tổ chức kỳ thi, nếu đáp ứng một số điều kiện. Điều này sẽ giúp mở rộng địa điểm thi, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các đơn vị tổ chức hoặc liên kết tổ chức thi được tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình. Thay vì đưa ra nhiều yêu cầu chi tiết về quy trình tổ chức như cách đăng ký dự thi, coi thi, bố trí phòng, Bộ chỉ đưa các tiêu chuẩn quản trị, cơ sở vật chất, phần mềm, ngân hàng đề thi. Trên cơ sở này, các đơn vị xây dựng quy trình công khai và gửi để Bộ quản lý, giám sát.
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được phát triển dựa theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với thực tế dạy, học, sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam.
Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam
| CEFR
|
Sơ cấp
| Bậc 1
| A1
|
Bậc 2
| A2
|
Trung cấp
| Bậc 3
| B1
|
Bậc 4
| B2
|
Cao cấp
| Bậc 5
| C1
|
Bậc 6
| C2
|
Khung này được áp dụng với nhiều ngoại ngữ, hiện phổ biến là tiếng Anh. Cả nước có 35 trường đại học được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung 6 bậc (VSTEP).
Lệ Nguyễn