Đây là nội dung tại dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính, do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.
Ngoài an ninh trật tự, an toàn xã hội, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất tăng mức phạt tối đa đối với lĩnh vực cản trở hoạt động tố tụng; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao dịch điện tử; bưu chính từ 40 lên 50 triệu đồng. Mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến 30 triệu đồng.
Bộ Tư pháp cho rằng việc tăng mức phạt này nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm hành chính; phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay và tăng tính răn đe đối với người vi phạm.
Theo Nghị định 144/2021 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, Chính phủ quy định phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với các hành vi: chế tạo, trang bị, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ...
Mức phạt này còn được áp dụng với lợi dụng hoạt động ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để xâm hại đến an ninh, trật tự; nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo hoặc do người phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; vận chuyển người nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép; tổ chức, môi giới, giúp sức, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép cũng chịu mức phạt tối đa 40 triệu đồng.
Điều chỉnh thẩm quyền xử phạt khi bỏ cấp huyện
Dự thảo bãi bỏ Điều từ 38 đến 51 quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Quản lý thị trường, Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Thanh tra, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa, TAND, Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ Tư pháp cho biết thay vì liệt kê chức danh có thẩm quyền xử phạt như luật hiện hành, dự thảo sẽ điều chỉnh theo hướng quy định chung về thẩm quyền xử phạt theo lĩnh vực quản lý nhà nước, cũng như áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết các chức danh; thẩm quyền phạt tiền, áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh thuộc TAND, VKSND và Kiểm toán Nhà nước. Chính phủ quy định chi tiết chức danh; thẩm quyền của các cơ quan còn lại.
Bộ Tư pháp cho rằng việc sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị trong bộ máy hành chính tác động lớn đến các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền quyết định cưỡng chế, biện pháp ngăn chặn. Quy định như trên phù hợp với chủ trương không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, góp phần tăng tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện và phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng cấp, từng địa phương. Luật quy định khung, nguyên tắc chung sẽ giúp giữ được tính ổn định, lâu dài của luật, hạn chế tình trạng phải thường xuyên sửa đổi luật khi có thay đổi trong thực tiễn.
Việc giao Chính phủ và chính quyền địa phương quy định chi tiết cũng tạo điều kiện thích ứng nhanh với các biến động của đời sống kinh tế xã hội, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, cơ chế này còn phát huy vai trò thống nhất điều hành của Chính phủ.
Dự Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp 5 và thông qua theo quy trình rút gọn.
Sơn Hà