Ông Điệp đã hai lần phẫu thuật lấy mảnh đạn nhưng bất thành. Gần đây, ông đau lưng, đau chân nặng hơn, đi lại khó khăn, chụp cộng hưởng từ MRI và CT cột sống thắt lưng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ghi nhận dị vật kim loại kích thước 1x2 cm nằm ở vùng cánh xương cùng (vùng cuối của cột sống), ống sống thắt lưng bị hẹp nặng do tổn thương thoái hóa.
Ngày 24/3, thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Ngân, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, cho biết dị vật gây viêm các tổ chức xung quanh. Người bệnh còn bị chèn ép rễ thần kinh hai bên nặng nghiêm trọng dẫn teo cơ chân và rối loạn cơ tròn khiến vận động, đại tiểu tiện và sinh hoạt hàng ngày khó khăn.
"Nếu không phẫu thuật, khoảng 1-2 năm nữa ông Điệp có thể bị tổn thương thần kinh không hồi phục như liệt các cơ, đại tiểu tiện mất tự chủ", bác sĩ Ngân nói, tiên lượng ca mổ tiềm ẩn nhiều rủi ro do viên đạn nằm sâu và tồn tại quá lâu ảnh hưởng nghiêm trọng đến dây thần kinh. Các bác sĩ quyết định khoan mài một phần xương cột sống để tạo đường vào gắp dị vật. Người bệnh đã trải qua hai lần phẫu thuật nên lần này êkíp mổ mở nhằm phẫu tích rõ vùng tổn thương.
Hệ thống định vị thần kinh Neuro Navigation xác định chính xác vị trí viên đạn, giúp bác sĩ tiếp cận với đường mổ ngắn nhất mà không gây tổn thương cấu trúc xung quanh. Hệ thống theo dõi điện sinh lý thần kinh (IOM) cảnh báo cho êkíp khi chạm tới các dây thần kinh quan trọng, tránh tổn thương. Người bệnh được truyền 1,5 lít máu trong ca mổ, không phát sinh biến chứng nguy hiểm.
Hậu phẫu, người bệnh được hồi sức tích cực, bác sĩ sử dụng thêm hệ thống giám sát chỉ số sinh tồn tự động, hỗ trợ hô hấp khi cần thiết. Ngày đầu sau mổ, ông Điệp vận động nhẹ tại giường dự phòng hình thành huyết khối do bất động lâu ngày. Đến ngày thứ ba, ông tập đi lại, xuất viện sau 7 ngày, tập phục hồi chức năng tại nhà. Bác sĩ Ngân tiên lượng khoảng 1-2 tháng ông sẽ phục hồi các chức năng cảm giác.
Tổn thương cột sống và chèn ép dây thần kinh có thể âm thầm tiến triển trong nhiều năm, không chỉ do dị vật mà còn do thoái hóa, chấn thương hoặc thói quen sinh hoạt sai cách. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ teo cơ, rối loạn vận động, liệt.
Bác sĩ Ngân khuyến cáo người có dấu hiệu đau lưng kéo dài, tê bì chân tay nên đi khám sớm để tìm nguyên nhân, can thiệp kịp thời, tránh để lại hậu quả nặng nề.
Linh Đặng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |