Công trình trái phép ở nhà cổ Vương Hồng Sển bị dẹp bỏ

TP HCM - Cơ quan chức năng cho biết đã cưỡng chế công trình xâm hại nhà cổ 100 tuổi của học giả Vương Hồng Sển, chuẩn bị tu sửa di tích.


Chiều 27/3, đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết cơ quan quản lý bố trí lực lượng bảo vệ, không cho các cá nhân, hộ gia đình (trừ con, cháu của ông Vương Hồng Sển) tiếp tục cư trú tại di tích. Ngôi nhà được rào chắn lưới B40 (hàn cố định), niêm phong khu vực để đảm bảo các hộ không quay lại tái lấn chiếm.


Trước đó một ngày, trong buổi làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao và đại diện gia đình học giả, UBND quận đề nghị Sở tiếp nhận, quản lý căn nhà, đồng thời lên kế hoạch sửa chữa, do hiện nhà cổ xuống cấp nặng, có nguy cơ sụp đổ. Cơ quan chức năng cũng sẽ giải quyết quyền lợi hợp pháp cho con cháu ông Vương Hồng Sển để họ ổn định cuộc sống.


Nhà của học giả Vương Hồng Sển (đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh) được xếp hạng di tích cấp thành phố cần được bảo tồn, giữ gìn hiện trạng, theo quyết định UBND TP HCM vào tháng 8/2003. Tuy nhiên, bà Vương Thị Việt Hoa - cháu ruột ông - cho biết nhiều năm qua một số người tận dụng bên trong sân để kinh doanh quán ốc, quán nhậu bình dân. Nhà bị ngăn vách bằng gạch, xi măng, làm nơi ở cho nhiều hộ.


Năm 1996, con cháu học giả Vương Hồng Sển liên tục gửi đơn kiến nghị về việc thừa kế tài sản liên quan. Do ngôi nhà bị vướng tranh chấp, cơ quan chức năng không thể triển khai công tác tu bổ, phục hồi và mở hoạt động trưng bày tại di tích.


Qua thời gian, nhà xuống cấp, dột nhiều chỗ, kèo, mái ngói bị mối mọt ăn mục. Nhiều hiện vật, tư liệu quý bên trong thất lạc không rõ nguyên do. Tháng 10/2024, cháu ruột ông Vương Hồng Sển cho biết 23 tủ sách với hàng trăm tác phẩm quý tại nhà cổ đã biến mất. Theo bà Hoa, nhà cũng không còn cổ vật do đã hiến tặng cho nhà nước.


Năm 1952, ông Vương Hồng Sển mua xác nhà 100 tuổi từ Phú Xuân, huyện Nhà Bè về dựng lại gần khu vực chợ Bà Chiểu. Ngôi nhà có năm gian hai chái, ngang 15 m, dài 20 m, được xây trên mảnh đất diện tích 750 m2. Từ đó, ngôi nhà được đặt tên Vân Đường phủ. Gần 50 năm sinh sống tại đây, học giả không chỉ bỏ công sức bài trí mà còn tạo dựng phong cách sinh hoạt phù hợp với nét cổ xưa. Trước khi mất, ông lập di chúc, mong muốn thành lập bảo tàng tư gia lấy tên "Nhà Vương Hồng Sển", gồm nhiều sách hiếm có Pháp văn, Quốc văn, Hán văn, chỉ dành phục vụ cho việc đọc, nghiên cứu tại chỗ.


Học giả Vương Hồng Sển (1902-1996) bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam. Ông đam mê đọc sách, sưu tầm và ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, khảo cứu các trò chơi cổ truyền như đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng cây kiểng. Khi qua đời, ông tặng Vân Đường phủ và 849 cổ vật trong bộ sưu tập đồ cổ của mình cho nhà nước.


Mai Nhật









Cong trinh trai phep o nha co Vuong Hong Sen bi dep bo


TP HCM - Co quan chuc nang cho biet da cuong che cong trinh xam hai nha co 100 tuoi cua hoc gia Vuong Hong Sen, chuan bi tu sua di tich.

Công trình trái phép ở nhà cổ Vương Hồng Sển bị dẹp bỏ

TP HCM - Cơ quan chức năng cho biết đã cưỡng chế công trình xâm hại nhà cổ 100 tuổi của học giả Vương Hồng Sển, chuẩn bị tu sửa di tích.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá