Giữa tháng 8, anh Nguyễn Trọng Đạt, công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam (TP Thủ Đức) làm hồ sơ vay 30 triệu đồng từ Tổ chức tài chính vi mô CEP, thuộc Liên đoàn lao động TP HCM. Anh dự định dùng số tiền này để nộp các khoản đầu năm cho con trai chuẩn bị vào năm thứ hai đại học.
"Năm ngoái tôi cũng vay một khoản 30 triệu, trả trong 12 tháng, tổng tiền lãi 2,34 triệu", anh Đạt nói. Theo anh, do lương có hạn nhưng nhiều khoản phải chi nên muốn để dành mỗi tháng 2-3 triệu đồng rất khó. Do đó, khi có việc cần vài chục triệu đồng anh chọn phương án vay trước rồi trả sau, phần lương còn lại gói ghém chi tiêu trong tháng.
Tuy nhiên, sau gần tháng chờ giải ngân anh nhận được thông tin từ chủ tịch công đoàn rằng đợt này hồ sơ vay bị từ chối do thu nhập trong tháng vượt quá 9 triệu đồng. "Tôi quá bất ngờ, giờ đến hạn nộp tiền học rồi mà không biết xoay tiền ở đâu", anh Đạt nói.
Không chỉ anh Đạt, hơn 20 hồ sơ nộp cùng thời điểm với nam công nhân đều bị từ chối do thu nhập mỗi tháng vượt quá 9 triệu đồng. Lý giải của cán bộ CEP, Thông tư 33 Ngân hàng Nhà nước quy định từ 1/7, người lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập mỗi tháng từ 9 triệu đồng, ở khu vực nông thôn 7 triệu đồng không thể vay vốn tổ chức tài chính vi mô (chuyên cung cấp khoản vay quy mô nhỏ, không yêu cầu thế chấp).
"Điều này khiến nhiều công nhân khó khăn vì chưa biết tìm nguồn vay lãi suất thấp ở đâu khi không có tài sản thế chấp", ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam nói, cho biết nhiều hồ sơ vay của công nhân ở nhà máy cũng bị từ chối. Hơn chục năm qua, mỗi tháng nhà máy Nidec Việt Nam đều có khoảng 30 công nhân vay CEP từ 20-50 triệu đồng đóng tiền học cho con, góp vốn với gia đình nuôi bò, sửa nhà, thêm tiền mua đất ở quê, mua xe đi làm... Tiền gốc, lãi chia đều ra các tháng và trừ thẳng vào mỗi kỳ lương giúp công nhân dễ tính toán.
Vị cán bộ công đoàn lâu năm nói nhiều công nhân muốn vay vốn từ CEP do lãi suất thấp hơn vay thương mại hoặc công ty tài chính. Tuy nhiên, với quy định mới về thu nhập của Ngân hàng Nhà nước, nhiều lao động sẽ không được tiếp cận nguồn vay này.
Theo ông Hồng, thu nhập bình quân của công nhân Nidec năm ngoái hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, tức sẽ bị loại khi làm hồ sơ. Nhưng hầu hết lao động là người nhập cư, thuê trọ, không có tài sản hay tích lũy nên khó vay thương mại, vay ngân hàng chính sách để hưởng lãi suất thấp càng khó hơn. "Quy định mới thì chẳng còn ai được vay nữa. Cấp bách quá họ dễ tìm đến tín dụng đen", ông Hồng nói.
Tình cảnh của công nhân Nidec tương tự như 147.000 công nhân, người lao động đang vay vốn CEP đang có thu nhập mỗi tháng từ trên 9 triệu đồng. Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên CEP, cho biết con số này chiếm 42% khách hàng đang vay vốn với dư hơn gần 3.000 tỷ đồng.
"Phần lớn là công nhân trực tiếp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và áp quy định này họ phải dừng vay", ông Thành nói. Chưa kể, CEP sẽ phải ngừng phục vụ cho 32.000 công chức, viên chức, lực lượng vũ trang với dư nợ cho vay 655 tỷ đồng.
Theo ông Thành, CEP ra đời là để cung cấp các khoản vay cho công nhân với lãi suất thấp. Hơn 30 năm, tổ chức kiên định với mục tiêu này khi lãi suất nhiều năm qua dao động 0,4-0,65% mỗi tháng, tương đương 4,8-7,8% mỗi năm. Năm ngoái, khi việc làm giảm, lao động mất việc tăng, CEP thực hiện chương trình phòng chống tín dụng đen trong công nhân với mục tiêu trong 5 năm 2023-2028 cho 1,41 triệu lượt người vay với doanh số 50.000 tỷ đồng.
"Nếu áp dụng tiêu chí thu nhập từ 9 triệu đồng ở đô thị và 7 triệu ở nông thôn thì kế hoạch sẽ thất bại", ông Thành nói.
Hiện có hai tổ chức tài chính vi mô có số lượng người vay lớn là TYM thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và CEP. CEP tập trung vào người lao động, công nhân các nhà máy ở các tỉnh phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Hơn 30 năm qua, tổ chức này cho hơn 5,8 triệu lượt khách hàng vay vốn.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Bình Dương, nói theo lý lẽ thu nhập trên 9 triệu đồng không phải nghèo nên tiếp cận nguồn vay khác có thể là ngân hàng thương mại. Tuy nhiên chính sách chưa tính đến các công nhân làm việc ở nhà máy. Phần lớn nhóm này đều đang ở trọ, không có tài sản thế chấp khó vay ngân hàng thương mại.
Bà Trân cho rằng khi đời sống người lao động còn khó khăn, chưa có tích lũy, chính sách cần có sự ưu tiên cho nhóm này được vay lãi suất thấp từ các nguồn tài chính vi mô. Tiêu chí để được vay vốn từ tổ chức tài chính này không nên cứng mức thu nhập 7-9 triệu đồng mà có các quy định mở như là người nhập cư, thuê trọ, có người phụ thuộc... để xem xét cho vay.
Ông Hoàng Văn Thành cho rằng khúc mắc lớn nhất là xác định thu nhập để xem xét là người thu nhập thấp. Trong khi Nghị định 100 quy định người độc thân có thu nhập mỗi tháng không quá 15 triệu đồng và hai vợ chồng là 30 triệu đồng thì được xem là người có thu nhập thấp và được xét mua nhà ở xã hội thì Thông tư 33 chỉ cho tối đa 7 và 9 triệu đồng.
Từ đó ông Thành kiến nghị các quy định cần có sự đồng bộ và quy định như Nghị định 100 là phù hợp. Ngoài ra, mức vay tối đa nên nâng lên 100 triệu đồng thay vì 50 triệu như hiện nay để phù hợp với đặc điểm, đời sống kinh tế của các đô thị lớn như TP HCM.
Liên quan quy định thu nhập người lao động tại Thông tư 33, VnExpress đã liên hệ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM. Tuy nhiên, đơn vị này cho biết đang chờ ý kiến từ các bộ phận liên quan nên chưa trả lời ngay.
Lê Tuyết