Hai tuần trước, chị Quỳnh, mẹ bé Nguyên, đưa con đến TP HCM điều trị viêm phổi, khi khỏi bệnh được xuất viện. Sau đó, bé ho, tái sốt, bác sĩ một phòng khám ở Bình Phước kiểm tra, kê uống thuốc điều trị viêm phổi. Đến ngày thứ 4, da bé nổi ban đỏ, gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Ngày 21/12, BS.CKII Nguyễn Thị Minh Hiền, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt, ho, viêm kết mạc mắt, toàn thân nổi bóng nước với nhiều kích thước khác nhau. Dựa trên biểu hiện lâm sàng, X-quang phổi, xét nghiệm máu kết hợp điều tra bệnh sử, bác sĩ chẩn đoán bé Nguyên mắc hội chứng Stevens-Johnson, với biểu hiện đặc trưng là các tổn thương đa dạng ở da và niêm mạc.
Hội chứng này ít gặp, tỷ lệ mắc tại Mỹ khoảng 2/1.000.000 người, biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong 5-15%. Theo y văn, nguyên nhân thường gặp nhất là do dị ứng thuốc bao gồm kháng sinh, thuốc động kinh hoặc do nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (mycoplasma, herpes simplex virus). Tuy nhiên cũng có tới khoảng 40% trường hợp là không rõ nguyên nhân.
Bệnh khiến bé viêm da toàn thân, lòng bàn tay và bàn chân tổn thương nặng. Các vị trí môi, mũi, miệng, hậu môn đều loét khiến hô hấp, ăn uống, bài tiết đều khó khăn. "Bệnh nhi có nguy cơ hoại tử bì nhiễm độc dẫn tới biến chứng nhiễm trùng huyết, suy đa tạng có thể tử vong nếu không phát hiện kịp thời", bác sĩ Hiền nói.
Trường hợp bé Nguyên, bác sĩ Hiền Minh nghi ngờ do dị ứng thuốc nên cho bé dừng thuốc trước đó và nằm phòng cách ly giảm nguy cơ nhiễm trùng. Tình trạng bệnh nhi nặng, tổn thương nhiều cơ quan, bác sĩ khoa Nhi khoa Mắt và Da liễu hội chẩn lên kế hoạch điều trị, phòng nguy cơ mù lòa, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết.
Bác sĩ dùng kháng sinh điều trị viêm da, viêm phổi cho bệnh nhi, thuốc nhỏ mắt dự phòng nguy cơ tổn thương giác mạc. Những ngày dầu do loét miệng nặng, bệnh nhi không ăn được, uống sữa khó, toàn thân nổi bóng nước, vỡ ra khiến bé đau, ngứa, dễ nhiễm trùng.
Bé được điều trị tối ưu hóa dinh dưỡng tránh mất nước, thuốc giảm đau, kháng viêm, tắm bằng thuốc tím pha loãng mỗi ngày, chăm sóc tại chỗ vết bỏng da bằng các kem dưỡng đặc trị, vệ sinh sạch sẽ.
Sau hai ngày điều trị, bé trai hết sốt, vết bỏng trên da ngưng tiến triển. Một tuần sau, vết thương trên toàn bề mặt da khô, lên da non và được xuất viện.
Hội chứng Stevens-Johnson được mô tả lần đầu tiên vào năm 1922 bởi các bác sĩ nhi khoa A. M. Stevens và F. C. Johnson. Họ báo cáo hai trường hợp trẻ ở New York sốt, phát ban da niêm mạc bất thường, được chẩn đoán nhầm là sởi và sốt xuất huyết.
Bác sĩ Minh Hiền khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ nổi ban toàn thân, xuất hiện bóng nước cần đưa bé đi khám ngay. Với trẻ tiền sử dị ứng thuốc, thực phẩm, cha mẹ cần chú ý đọc rõ thành phần có trong thuốc, thực phẩm và báo cho bác sĩ trong các lần khám tiếp theo.
Tuệ Diễm
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để được bác sĩ giải đáp |