Bài báo chơi khăm của vị giáo sư phơi bày sự thật về `tạp chí chim mồi`

MỸ - Để phơi bày vấn nạn ‘tạp chí săn mồi’, GS Daniel Baldassarre ở Đại học Bang New York (Mỹ) đã thực hiện một ‘trò chơi khăm’ tinh tế, qua đó thu hút sự chú ý của giới học thuật và công chúng.


Trong bối cảnh học thuật hiện đại, một vấn nạn đang phổ biến là sự tồn tại các “tạp chí săn mồi” (predatory journals) - nơi xuất bản không phải để phục vụ khoa học mà để lợi dụng sự thiếu cảnh giác của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những người mới vào nghề, nhằm trục lợi tài chính.


Trục lợi 43 triệu đồng/bài báo khoa học


Ngày 1/4/2020, tạp chí Scientific Journal of Research and Reviews đăng một bài báo có tựa đề: “Có chuyện gì với loài chim vậy?” (What’s the Deal with Birds?). Trong bài báo, GS Baldassarre đưa ra những quan sát tưởng chừng như vô nghĩa, như: “Chim khá kỳ lạ. Ý tôi là, chúng có lông. Cái quái gì thế nhỉ? Hầu hết các loài động vật khác đều không có lông”.


Daniel Baldassarre đã đăng bài báo châm biếm về loài chim để vạch trần sự dễ dãi và chiêu trò của "tạp chí săn mồi". Ảnh: Workcraftlife.com

Bài báo còn đề cập đến 3 loài chim (gõ kiến, vẹt và chim cánh cụt) với đặc điểm khác biệt mà không giải thích lý do hay phương pháp chọn mẫu. Điều này đã phá vỡ mọi tiêu chuẩn về tính đại diện trong nghiên cứu.


Hơn nữa, không có bất kỳ dữ liệu định lượng nào được thu thập hay phân tích và cách trình bày các quan sát cũng mang tính ngẫu nhiên, thiếu logic. Bài báo hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của một nghiên cứu khoa học nghiêm túc, mà chỉ là một sự chế giễu nhắm vào các tạp chí săn mồi.


Điểm nhấn châm biếm trong bài báo là biểu đồ xếp hạng các loài chim theo một trục, từ "mỏ kỳ lạ" đến "trông giống cá".


Phong cách viết của GS Baldassarre càng tô đậm sự mỉa mai. Ông kết hợp thuật ngữ khoa học với những nhận xét ngớ ngẩn đến mức phi lý, chẳng hạn: “Đây là nghiên cứu đầu tiên tôi biết đến nhằm định lượng vấn đề với chim. Thật không may, kết quả không rõ ràng, mặc dù các phương pháp Bayesian có thể hữu ích trong tương lai”.


Điều đáng kinh ngạc nhất là bài báo này đã được tạp chí chấp nhận đăng tải mà không hề trải qua bất kỳ quy trình phản biện hay chỉnh sửa nào - điều đi ngược với tiêu chuẩn của các tạp chí học thuật uy tín. Việc một bài viết đầy tính châm biếm, thiếu dữ liệu khoa học và rõ ràng là một trò đùa vẫn có thể “lọt qua” cánh cửa biên tập cho thấy sự dễ dãi đến mức khó tin của các "tạp chí săn mồi".


Ban đầu, tạp chí yêu cầu GS Baldassarre trả khoản phí công bố lên đến 1.700 USD (khoảng 43 triệu đồng). Tuy nhiên, sau một cuộc thương lượng ngắn, ông đã được miễn phí vì tạp chí kỳ vọng việc công bố bài viết đầu tiên miễn phí sẽ khuyến khích tác giả tiếp tục cộng tác và trả tiền cho các bài viết sau.


Sự thật đằng sau các 'tạp chí săn mồi'


Tạp chí săn mồi hoạt động bằng cách gửi email chào mời các nhà nghiên cứu gửi bài, hứa hẹn đăng bài nhanh chóng nhưng yêu cầu mức phí công bố rất cao, thường lên đến hàng nghìn USD.


Tuy nhiên, các tạp chí này lại bỏ qua các tiêu chuẩn học thuật như phản biện đồng cấp (peer review). Bài báo được đăng thường không qua kiểm duyệt, dẫn đến nguy cơ công bố thông tin sai lệch hoặc vô nghĩa.


Những tạp chí này thường đánh lừa các nhà nghiên cứu bằng cách tạo dựng các trang web “bóng bẩy”, liệt kê các nhà khoa học có tiếng với tư cách ban biên tập (thường là giả mạo), hoặc giả danh các tạp chí uy tín.


Sự tồn tại của các tạp chí săn mồi không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn làm xói mòn giá trị của nghiên cứu khoa học.


Những bài báo vô nghĩa, như bài của GS. Baldassarre, đã được trích dẫn lại. Theo thống kê từ Google Scholar, bài báo “Chim có vấn đề gì?” đã được trích dẫn 9 lần, bao gồm cả một bài công bố trên tạp chí Journal of Dairy Science vào tháng 9/2023.


GS Baldassarre hy vọng rằng trò đùa này sẽ khuyến khích các nhà nghiên cứu kiểm tra kỹ lưỡng danh tiếng của tạp chí trước khi gửi bài, cũng như nâng cao cảnh giác đối với email mời mọc đáng ngờ.


Ông khéo léo lồng ghép một bài học về bản chất của khoa học trong bài viết: “Đó là cách khoa học vận hành, đúng không? Bạn không bao giờ có thể có tất cả câu trả lời. Chúng ta có thể không bao giờ biết vấn đề với chim là gì”.


Sau khi bài báo được công bố, cộng đồng học thuật đã mở nhiều cuộc thảo luận về sự phổ biến của các "tạp chí săn mồi" và tầm quan trọng của việc duy trì các tiêu chuẩn phản biện học thuật nghiêm ngặt. Một số nhà nghiên cứu lấy cảm hứng từ cách tiếp cận của GS Baldassarre, thực hiện các hành động tương tự nhằm vạch trần những thiếu sót của các tạp chí này.


Tháng 1/2021, hai nhà nghiên cứu Martin Stervander và Danny Haelewaters đã công bố một bài báo châm biếm với tựa đề tạm dịch là: "Tính chất 'cá' của những loài chim giống cá liên quan đến việc thiếu nấm độc nhưng không phải là pizza”) trên một tạp chí săn mồi.


Năm 2023, GS Teresa Schultz tại Đại học Nevada (Mỹ) tiếp tục mỉa mai tạp chí Scientific Journal of Research & Reviews bằng việc đăng bài nghiên cứu với tiêu đề: “Đánh giá về Scientific Journal of Research & Reviews". Trong đó, bà nêu rõ: Phần lớn các bài báo của tạp chí này đều có thời gian xét duyệt chỉ khoảng 2 tuần và tác giả có thể trả phí để “làm trơn tru” quá trình phản biện.


Hiện tạp chí này vẫn ngang nhiên hoạt động.









Bai bao choi kham cua vi giao su phoi bay su that ve 'tap chi chim moi'


MY - De phoi bay van nan ‘tap chi san moi’, GS Daniel Baldassarre o Dai hoc Bang New York (My) da thuc hien mot ‘tro choi kham’ tinh te, qua do thu hut su chu y cua gioi hoc thuat va cong chung.

Bài báo chơi khăm của vị giáo sư phơi bày sự thật về 'tạp chí chim mồi'

MỸ - Để phơi bày vấn nạn ‘tạp chí săn mồi’, GS Daniel Baldassarre ở Đại học Bang New York (Mỹ) đã thực hiện một ‘trò chơi khăm’ tinh tế, qua đó thu hút sự chú ý của giới học thuật và công chúng.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá