Nhiều loại rau gia vị ở Việt Nam có tác dụng cho sức khỏe nhờ chứa tinh dầu, có tác dụng làm ấm cơ thể, tăng sức đề kháng trong điều kiện thời tiết chuyển mùa.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ về tác dụng các loại rau thơm phổ biến ở Việt Nam.
1. Thì là: Rau gia vị quen thuộc này không thể thiếu trong món canh cá, canh lươn, ốc, giúp món ăn thơm ngon, át được mùi tanh. Trong Đông y, đây là một vị thuốc rất thông dụng. Theo Nam dược thần hiệu, hạt và lá thì là vị cay, tính ấm, không độc, điều hòa món ăn, bổ thận, mạnh tỳ, tiêu trướng, trị đau bụng và đau răng, kích thích ngon miệng và tiêu hóa, giúp lợi sữa.
2. Rau mùi: Còn được gọi là ngò ta, hương tuy. Rau mùi có vị cay, tính ấm, không độc, tiêu thức ăn, trị phong tà, thông đại tiểu tiện, trị các chứng đậu, sởi khó mọc, phá mụn độc... Rau mùi được trồng phổ biến ở miền Bắc và thường có trong mùa đông. Ăn nhiều rau mùi chống lại triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, đau bụng. Loại rau này có tính kháng khuẩn cao, khử mùi hôi tốt, chữa sâu răng, viêm lợi, cải thiện tình trạng viêm nhiễm răng miệng.
3. Húng chanh: Còn gọi là cây rau tần. Trong dân gian thường dùng lá tươi làm rau sống trong các bữa ăn. Húng chanh vị chua the, thơm hăng, tính ấm, vào phế có công dụng giải cảm, tiêu đờm, khử độc và trị các chứng bệnh cảm cúm, lạnh phổi.
Bạn có thể dùng lá húng chanh tươi hoặc sắc uống. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất thuốc Nam cũng thường chưng cất tinh dầu húng chanh kết hợp với một số thảo dược khác để sản xuất thuốc trị ho, cảm cúm.
Rau húng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Ảnh: Hải Luân. 4. Húng quế: Theo Đông y, húng quế vị cay, tính nóng, có mùi thơm, tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, giảm đau, kích thích tiêu hóa. Toàn cây có tác dụng chữa cảm cúm, cảm sốt, nhức đầu, ho, nghẹt mũi, đầy bụng, kém tiêu.
5. Húng bạc hà: Loại rau này có trong các bài thuốc chữa trị cảm cúm và các vết côn trùng cắn, giúp lợi tiêu hóa, chữa chứng đầy hơi, thấp khớp, nấc, thông cổ, trị viêm xoang nhẹ…
6. Tía tô: Tía tô là vị thuốc được Đông y xếp vào loại giải biểu, trị các chứng phong hàn. Tía tô có hai loại: tía tô mép lá phẳng, màu tía nhạt, ít thơm và tía tô mép lá quăn, màu tía sẫm, mùi thơm nồng. Tía tô có vị cay, tính ấm, tác dụng trị cảm lạnh, đầy bụng, nôn mửa.
Thành phần các hoạt chất trong tinh dầu của các rau thơm:
Loại rau | Thành phần |
Thì là | Loại rau này chứa carvone, carveol, arginine, β-caryophyllene, apiole, flavonoid, vitamin A, C, canxi, sắt, magie, phốt pho, kali và axit amin. |
Rau mùi | Tinh dầu mùi chứa nhiều hoạt chất borneol, cineole, cymene, dipentene, linalool, phellandrene, pinene, terpineol và terpinolene. |
Húng chanh | Tình dầu kháng khuẩn tốt nhờ thành phần carvacrol, thymol. |
Húng quế | Húng quế có nhiều hoạt chất linalool, metyl chavicol, citral, 1,8-cineole đặc biệt húng quế Việt giàu methyl chavicol. |
Húng bạc hà | Chứa tinh dầu 0,5-1,5%, trong đó có L-menthol 65-85%, menthyl acetat, L-menthon, L-pinen, L-limonen và flavonoid. |
Tía tô | Chứa tinh dầu bao gồm thành phần là perilla andehyde C10H14O, limonene C10H16, α-pinen C10H16 và dihydrocumin C10H14O. |

3 loại rau tốt cho tim mạch, 'quét' mỡ máu
Rau bổ sung chất xơ và nguồn vitamin, khoáng chất dồi dào tốt cho mạch máu, bảo vệ hệ tim mạch của bạn.
Các loại rau quả quen thuộc tiềm ẩn tồn dư thuốc trừ sâuMột số loại rau quả được cho là tiềm ẩn nguy cơ cao về dư lượng thuốc trừ sâu, đặc biệt nếu quá trình canh tác và giám sát chất lượng không được đảm bảo.