18 tháng `tìm đường` tới Đại học Oxford của nữ sinh Việt

Tới cuối năm thứ nhất, dù vẫn chưa có bất kỳ thành tích đáng kể nào, Minh Châu với tâm thế "không có gì để mất" vẫn lập kế hoạch chinh phục đại học số một thế giới.


Vũ Minh Châu, 21 tuổi, là sinh viên năm cuối ngành Hóa Sinh tại Đại học Birmingham, Anh. Hai tháng trước, nữ sinh Hà Nội nhận thư báo trúng tuyển ngành Dược lý học của Oxford. Ngôi trường lâu đời nhất nước Anh này 9 năm liên tiếp ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng thế giới của Times Higher Education.


Nữ sinh cho hay từng nghĩ đó là ngôi trường mà mình không thể chạm tới. Dù vậy, Châu vẫn bắt đầu kế hoạch chinh phục, từ đầu năm thứ hai.


"Mình thử thách bản thân với tâm thế không có gì để mất", Châu nói.


Năm 2022, Châu du học ngành Hóa Sinh vì thích cả hai môn này, đồng thời muốn xây dựng nền tảng để học về y dược. Từ cuối năm thứ nhất, Châu đã xác định muốn học lên thạc sĩ về Dược lý học - lĩnh vực nghiên cứu về cơ chế hoạt động của thuốc lên cơ thể người. Nữ sinh biết Oxford có ngành này, còn một số trường chỉ có ngành gần hoặc liên quan.


Khi đó, Châu thấy hồ sơ của mình chưa có bất kỳ kinh nghiệm nghiên cứu hay hoạt động ngoại khóa đáng kể nào. Nữ sinh xem kỹ hơn yêu cầu đầu vào của trường và hồ sơ của các anh, chị đã trúng tuyển, nhận thấy vẫn còn cơ hội nên bắt tay chuẩn bị.


Châu "tăng tốc" trong năm thứ hai. Nữ sinh cùng bạn bè thành lập câu lạc bộ Ẩm thực và văn hóa quốc tế tại Birmingham, tham gia câu lạc bộ Tài chính kinh doanh. Châu cũng dự một cuộc thi về tư vấn chiến lược (Capgemini Community Challenge), cùng đồng đội giành ngôi quán quân.


Với hoạt động nghiên cứu, thực tập, nữ sinh ưu tiên tìm nội dung liên quan chuyên ngành. Tuy nhiên, suốt nửa năm, Châu gặp khó khi hầu hết vị trí thực tập đều yêu cầu kinh nghiệm. Trong khi đó, với chương trình cử nhân ba năm, mùa hè năm thứ hai gần như là cơ hội cuối cùng để Châu bổ sung kinh nghiệm làm việc vào hồ sơ ứng tuyển.


Những tưởng kế hoạch chinh phục Oxford phải kết thúc sớm, Châu tình cờ biết đến học bổng nghiên cứu về Hóa Sinh của quỹ từ thiện Wellcome Trust và tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới (UKRI). Quỹ này tài trợ tất cả chi phí ăn ở, đi lại và nghiên cứu cho ứng viên trong 8 tuần. Sau ba tháng gửi hồ sơ, Châu nằm trong 11 sinh viên ở Anh trúng tuyển, tham gia nghiên cứu về đột biến gene trong nhau thai tại Đại học East Anglia.


Châu kể được giáo sư gợi ý, giám sát trong quá trình nghiên cứu. Trái với suy nghĩ ban đầu rằng đây là việc nhàm chán, lặp đi lặp lại, Châu thấy mình được thoải mái sáng tạo, thử nghiệm các giải pháp khác nhau.


"Mình cũng cảm nhận rằng đang làm việc có ý nghĩa, đóng góp cho khoa học sức khỏe, nên càng có động lực", Châu nói.


Hai tháng nghiên cứu giúp Châu rèn sự cẩn thận, kiên nhẫn, kỹ năng đọc bài báo khoa học. Nữ sinh cũng hiểu thêm kiến thức chuyên ngành, đặc biệt là quá trình tinh chế protein.


"Đây là điểm sáng và mạnh nhất trong hồ sơ ứng tuyển thạc sĩ của mình, đã giúp thay đổi hoàn toàn cục diện", Châu nhìn nhận.


Bước vào năm cuối đại học, Châu duy trì vai trò lãnh đạo trong câu lạc bộ Tài chính kinh doanh. Nữ sinh chủ động xin giảng viên hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho tham gia nghiên cứu sớm hai tháng, nhằm làm quen và học hỏi thêm kỹ năng. Đề tài mà Châu nghiên cứu là cấu trúc của một loại thuốc có thành phần chống ung thư, và tác động của nó lên một loại protein trong cơ thể.


Trong thư động lực (motivation letter) gửi Đại học Oxford, Châu kể về thời gian đi viện thường xuyên hồi nhỏ, là lý do khiến cô quyết tâm theo đuổi ngành Dược lý học.


"30 ngày thì 29 ngày nằm ốm là lời nói đùa của mẹ, giúp không khí gia đình bớt nặng nề mỗi khi tôi phải nằm viện", nữ sinh mở đầu. Châu cho biết khi đó bị chẩn đoán mắc hạch mạc treo, có thể dẫn tới nhiễm trùng máu.


"Trải nghiệm sức khỏe không tốt ngày nhỏ là động lực chính, thôi thúc mình muốn nghiên cứu thuốc", Châu kể.


Nộp hồ sơ vào đầu tháng 12/2024, Châu đợi gần một tháng thì được thông báo đủ điều kiện vào vòng phỏng vấn, diễn ra sau hai tuần. Nữ sinh tự nghĩ các tình huống, chuẩn bị câu hỏi, rồi tập trả lời một mình hoặc cùng cố vấn. Nhờ chuẩn bị kỹ, hầu hết những câu giám khảo hỏi đều thuộc nội dung Châu đã luyện tập, duy nhất câu liên quan tới kiến thức Toán khiến nữ sinh bất ngờ và trả lời không trọn vẹn.


"Nếu trả lời trôi chảy câu này, mình tự tin sẽ đỗ, nhưng vì nó diễn ra không như ý nên thấp thỏm mãi", Châu nhớ lại.


Những ngày sau đó, Châu kiểm tra mail liên tục, chờ kết quả. Đầu tháng 2, nữ sinh vỡ òa với thông báo trúng tuyển từ Oxford. Châu ngay lập tức gọi về nhà để chia vui với gia đình.


Anh Chu Công Sơn, tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Oxford, Giám đốc Công ty tư vấn D.U.T Consultant, là cố vấn của Châu. Anh Sơn kể đồng hành cùng Châu từ tháng 8/2024, khi nữ sinh sắp bước vào năm thứ ba. Anh đánh giá hồ sơ của Châu có tiềm năng, mạnh về học thuật khi đang nằm trong top 5 về điểm trung bình ở lớp, lại vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu 8 tuần.


Nhưng với những yếu tố này, theo anh Sơn, tỷ lệ vào vòng phỏng vấn của Châu chỉ khoảng 60-70%. Do đó, anh Sơn gợi ý nữ sinh bổ sung kinh nghiệm nghiên cứu và một số hoạt động hướng đến cộng đồng. Và Châu rất cầu thị, chỉn chu, luôn hết mình với mỗi đầu việc.


"Đôi lúc, Châu còn lúng túng trong việc tìm định hướng, nhưng nếu được gợi ý hay giao nhiệm vụ, Châu luôn hoàn thành trên mức kỳ vọng", anh Sơn nói.


Nhìn lại quá trình ứng tuyển Oxford, Châu tiếc vì chưa nghĩ đến thực tập, nghiên cứu và tham gia các hoạt động xã hội từ năm thứ nhất. Nếu có, nữ sinh nghĩ hồ sơ sẽ mạnh để cạnh tranh nhiều học bổng hơn.


Châu sẽ bắt đầu chương trình thạc sĩ vào tháng 10. Vì chương trình trong một năm, cô gái Việt đặt mục tiêu tận dụng làm càng nhiều nghiên cứu càng tốt. Hướng đi dự định của Châu là các đề tài liên quan tác dụng của thuốc lên cấu trúc, chức năng của protein.


"Mình hy vọng sớm có công bố khoa học và sau này được làm việc cho các hãng dược phẩm lớn", Châu nói.


Thanh Hằng









18 thang 'tim duong' toi Dai hoc Oxford cua nu sinh Viet


Toi cuoi nam thú nhat, du van chua co bat ky thanh tich dang ke nao, Minh Chau voi tam the "khong co gi de mat" vãn lap ke hoach chinh phuc dai hoc so mot the gioi.

18 tháng 'tìm đường' tới Đại học Oxford của nữ sinh Việt

Tới cuối năm thứ nhất, dù vẫn chưa có bất kỳ thành tích đáng kể nào, Minh Châu với tâm thế "không có gì để mất" vẫn lập kế hoạch chinh phục đại học số một thế giới.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá