Theo báo cáo của vườn, sau thời gian nỗ lực các bãi năn, lúa ma cùng nhiều sinh cảnh đặc thù đang phát triển tốt, tạo nguồn thức ăn tự nhiên, thu hút nhiều loài chim hoang dã.
Riêng vùng sản xuất lúa sinh thái được người dân tích cực tham gia, dự kiến sẽ phát triển đến 200 ha tại các xã vùng đệm quanh vườn. Sau đó, những diện tích này sẽ dần chuyển đổi sang lúa hữu cơ, tạo khu vực rộng lớn, an toàn ngoài vườn để chim cò, đặc biệt là sếu trú ngụ, đẻ trứng.
Bên cạnh đó, Tràm Chim đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông môi trường như: tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động vì môi trường, thành lập đội tuyên truyền bảo vệ sếu đầu đỏ và các loài chim hoang dã tại vườn.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đề án bảo tồn sếu, vườn đã hoàn thành chuồng nuôi sếu non, chuồng ghép đôi, chuồng bán hoang dã, phòng chăm sóc thú y và kho dự trữ thức ăn, phòng kỹ thuật giám sát sếu.
Tháng 4, vườn cũng đã tiếp nhận 6 sếu đầu đỏ do Thái Lan chuyển giao, tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng tại phân khu A3. Đồng thời thành lập tổ quản lý và chăm sóc sếu, gồm 9 thành viên.
Hằng tuần tổ quản lý và chăm sóc sếu phân công lịch trực, thiết kế khẩu phần ăn cho sếu theo đúng quy trình học tập kinh nghiệm tại Thái Lan và Hội sếu quốc tế. Ngoài khẩu phần thức ăn viên, các thức ăn tự nhiên kèm theo bao gồm cá nhỏ, dế, ếch con, sâu gạo và củ năn có sẵn ngoài tự nhiên.
Tỉnh Đồng Tháp xác định đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim là nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ việc bảo tồn sếu đầu đỏ được xác định là công việc khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao trong giai đoạn 10 năm và có thể dài hơi hơn nữa. Ông đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện chặt chẽ, nhằm đảm bảo các mục tiêu đã đề ra.
Ngọc Tài