Sáng 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1 (các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng) để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.
Cử tri Nguyễn Viết Chức (quận Ba Đình) đánh giá chủ trương, đường lối của Đảng, quyết sách của Nhà nước thời gian qua "rất hợp với ý nguyện nhân dân", nên phải làm quyết liệt hơn nữa. "Phát biểu của Tổng Bí thư về chống lãng phí, về tinh gọn bộ máy, đặc biệt là thông điệp về Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam là nguồn cổ vũ to lớn đối với hàng triệu trái tim", ông Chức nói.
Cử tri Nguyễn Đình Ninh (quận Hai Bà Trưng) cho biết người dân hoan nghênh chủ trương tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư và mong rằng việc tinh gọn không chỉ giảm cơ học, giảm số lượng đầu mối, giảm số lượng lao động mà phải thực sự đúng tinh thần tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như Trung ương đã quán triệt.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã hoàn thành và vượt mức, tạo tiền đề quan trọng để cả nước tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt được các mục tiêu của năm 2025 và giai đoạn 2021-2026. Đây cũng là bước chuẩn bị vững chắc để Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng, dự kiến tổ chức vào quý I/2026.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý cả hệ thống "không ngủ quên trên vòng nguyệt quế", như lời dặn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đất nước cần nỗ lực hơn nữa để sánh vai với các cường quốc năm châu, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no, yên vui và hạnh phúc cho nhân dân.
Ông cho biết để đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định một số nhiệm vụ cấp bách. Đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị; tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế, đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống nhân dân.
Về tinh gọn tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư khẳng định đây không phải yêu cầu mới, mà đã được đề cập trong nhiều kỳ Đại hội trước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiệm vụ này chưa được thực hiện triệt để. "Bây giờ mong muốn phát triển thì phải nhẹ đi mới bay được cao", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên Tổng Bí thư cũng khẳng định đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi nó liên quan đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi và cuộc sống hàng ngày của nhiều cá nhân. Ông kêu gọi mỗi người hãy tự nhìn lại, xem xét đóng góp của mình có xứng đáng với đồng lương do nhân dân và Chính phủ chi trả hay không. Mỗi cán bộ, đảng viên "cần suy nghĩ về giá trị mà mình mang lại cho đất nước, xã hội và gia đình".
"Phải vượt lên chính mình và chấp nhận hy sinh. Đức hy sinh là truyền thống của dân tộc ta. Hy sinh vì đất nước là vẻ vang, vinh quang. Hy sinh quyền lợi cá nhân để đất nước phát triển, hy sinh lợi ích tổ chức mình để đạt được mục tiêu chung", Tổng Bí thư nói.
Ông cũng thông tin, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã đạt sự thống nhất cao trong việc thực hiện tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị. Theo đó, một số Ban của Đảng, Bộ của Chính phủ, Ủy ban của Quốc hội và tổ chức của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ được sắp xếp lại. Kế hoạch này dự kiến hoàn thành trong quý I/2025, với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng, tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng".
Tiếp tục phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Tổng Bí thư khẳng định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt, triệt để, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị và Ban Bí thư quyết định bổ sung nội dung chống lãng phí vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
"Công tác này sẽ được thực hiện không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhằm xây dựng một tổ chức bộ máy trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân và vì dân. Công chức, viên chức phải thực sự trở thành công bộc của nhân dân", Tổng Bí thư nói.
Ông cho biết thời gian qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật 6 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tổng số cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật từ đầu năm đến nay là 52, trong đó có 48 cán bộ liên quan đến các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.681 bị can, truy tố 1.479 bị can, xét xử sơ thẩm 2.703 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 3 bị can là cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Đối với các vụ án và vụ việc đang được Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, các cơ quan chức năng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa hơn 6.150 tỷ đồng cùng nhiều tài sản có giá trị khác. Riêng trong giai đoạn thi hành án dân sự, hơn 11.000 tỷ đồng đã được thu hồi, nâng tổng số tiền thu hồi từ đầu năm đến nay lên gần 19.000 tỷ đồng. Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, tổng số tiền thu hồi đã đạt 96.586 tỷ đồng.
Riêng tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực của thành phố đã bước đầu rà soát hơn 800 dự án cấp thành phố có dấu hiệu thất thoát, lãng phí. Trong đó, chỉ với 3 dự án được xử lý, số tiền thu hồi đã hơn 42.000 tỷ đồng. "Ví dụ này cho thấy mức độ lãng phí là rất nghiêm trọng và làm nổi bật tính cấp thiết của việc xử lý các hành vi gây thất thoát, lãng phí", Tổng Bí thư nói.
Võ Hải