* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Hai phần Gladiator lấy bối cảnh thời kỳ biến động với những cuộc tranh giành quyền lực ở La Mã cổ đại, khai thác về chế độ độc tài và khao khát tự do của người thành Rome. Phần hai gây chú ý với nhiều phân cảnh được hư cấu từ sự kiện có thật trong lịch sử.
Theo History Extra, tác phẩm lấy mốc thời gian năm 211 trước Công nguyên giống ngoài đời, khi hoàng đế Geta (Joseph Quinn) và Caracalla (Fred Hechinger) cai trị trong vài tháng. Vào tháng 2 năm 211 sau Công nguyên, cha của họ - hoàng đế Septimus Severus - chỉ định Caracalla và Geta nắm quyền. Hai người có tính cách khác nhau, thường tìm cách thỏa mãn bản thân bằng thú vui. Phim cũng xoay quanh một số sự kiện xảy ra ngoài đời thật, gồm vụ ám sát Geta và Caracalla, sự kiện lên ngôi bất ngờ của Macrinus (Denzel Washington).
Các tình huống còn lại được thêm thắt để tăng kịch tính cho phim. Gladiator II mở đầu với cuộc bao vây Numidia của đế chế La Mã. Nhưng theo giáo sư sử học Ray Laurence, Đại học Macquarie (Australia), Numidia là một phần của Đế chế La Mã dưới thời hoàng đế Caracalla. Chi tiết này được làm khác để cho thấy hình ảnh tương phản giữa lực lượng quân đội Rome và Numidia, khi sức mạnh của đế chế La Mã nằm ở vũ lực quân sự.
Sự xuất hiện của cá mập trong trò naumachia - tái hiện trận hải chiến cổ đại, do người La Mã tổ chức để giải trí - là một trong những điểm thay đổi nổi bật, khắc họa tính nguy hiểm. Thời xưa, naumachia được dàn dựng để giải trí tại các lưu vực nơi các trận chiến đã diễn ra hoặc trong các đấu trường ngập nước. Những người bị kết án hoặc tù nhân chiến tranh sẽ đối đầu với những người lính cho đến khi một bên giành chiến thắng. Trận naumachia đầu tiên được ghi chép có niên đại từ năm 46 trước Công nguyên, do Julius Caesar tổ chức. Trên Variety, đạo diễn Ridley Scott cho rằng người La Mã có thể đưa cá mập vào đấu trường, nhưng các nhà sử học chỉ ra không có bằng chứng nào cho thấy sự hiện diện của động vật này trong trò chơi cổ đại.
Tương tự, cảnh đấu giữa nhân vật Lucius (Paul Pascal) và đấu sĩ cưỡi tê giác là điều chỉ có trên phim. Thời kỳ đó, tê giác chỉ xuất hiện trong các cuộc săn bắt động vật hoang dã, lần đầu tiên được nhìn thấy ở Rome vào năm 55 trước Công nguyên.
Trước trận hải chiến trong Đấu trường La Mã, người dẫn chương trình đề cập việc các đấu sĩ sẽ tái hiện Trận chiến Salamis giữa người Trojan và người Ba Tư. Trên thực tế, Trận chiến Salamis diễn ra vào năm 480 trước Công nguyên giữa các thành bang Hy Lạp và người Ba Tư, không có sự tham gia của người Trojan.
Xuất thân của các nhân vật được điều chỉnh để làm rõ cuộc chiến giữa phe thiện - ác. Macrinus ngoài đời là quan thị vệ người Berber (người bản địa Bắc Phi sống ở phía tây thung lũng sông Nile), trở thành hoàng đế La Mã vào năm 217 sau Công nguyên, sau khi âm mưu chống lại Caracalla. Ông không phải là cựu nô lệ hay huấn luyện đấu sĩ như trong phim.
Hoàng đế Geta và Caracalla không sinh đôi. Trong phim, Caracalla là em của Geta, có nhận thức kém, hành xử như trẻ con. Nhưng theo nhà sử học Alison Futrell, Caracalla lớn hơn Geta, có dòng máu lai giữa Ả Rập - Trung Đông và Bắc Phi. Caracalla khao khát quyền lực và từng đầu độc cha mình để nhanh chóng lên ngôi. Ông giết em trai mình trước mặt mẹ, Julia Domna. Geta "bám lấy váy mẹ kêu cứu" nhưng bà không thể chống lại con mình. Sau khi Geta chết, bà phải giả vờ vui vẻ, không thể khóc thương cho con vì quyền lực áp đảo của Caracalla. Caracalla cai trị La Mã trong sáu năm, không nhận được sự ủng hộ của Viện nguyên lão La Mã.
Nhân vật chính Lucius là sự tự do sáng tạo của Ridley Scott, do Lucius thực sự đã chết trước khi Commodus trở thành hoàng đế. Tên đầy đủ của ông là Lucius Verus II, con của Lucilla và Lucius Verus (đồng cai trị La Mã cùng anh nuôi Marcus Aurelius). Ông có hai chị gái - Aurelia Lucilla và Lucilla Plautia.
Lucius mất khi còn nhỏ, vào khoảng năm 169 sau Công nguyên. Cùng năm đó, người chồng đầu tiên của Lucilla qua đời. Không lâu sau, bà kết hôn với tướng Tiberius Claudius Pompeianus - nguồn cảm hứng cho nhân vật Maximus trong phần đầu - và có một con trai - Lucius Aurelius Commodus Pompeianus. Ngoài ra, không có ghi chép nào về vị tướng La Mã tên Marcus Acacius, cũng như cuộc hôn nhân của ông ta với Lucilla và cuộc nổi loạn chống lại Caracalla và Geta.
Việc lồng ghép yếu tố hư cấu vào bối cảnh lịch sử khiến phim nhận ý kiến trái chiều. Nhà sử học Ray Laurence khen phim được trình bày hấp dẫn, cho rằng tác phẩm miêu tả trực quan xã hội La Mã cổ đại. Ông kỳ vọng phần hai sẽ thành công như phần đầu, đồng thời tạo ra sự quan tâm về lịch sử cho thế hệ khán giả trẻ.
Tạp chí Smithsonian viết: "Ngay khi Gladiator II không mô tả chính xác âm mưu chính trị của Đế chế La Mã, phim làm nổi bật thực tế của nền văn minh cổ đại khi trận chiến của các đấu sĩ được xem như hình thức giải trí, trình bày mức độ tàn bạo của những nhà lãnh đạo".
Mặt khác, dự án vấp phải chỉ trích của sử gia Shadi Bartsch từ Đại học Chicago (Mỹ) khi bà nói bộ phim "nhảm nhí" vì có cảnh quý tộc La Mã đọc báo, nhâm nhi trà và cà phê 1.200 năm trước khi phát minh ra máy in. Thời đó, người La Mã đọc tin tức hàng ngày qua một loại công báo tên là Acta Diuna. Chúng được khắc trên đá hoặc kim loại, đặt ở những nơi nhiều người qua lại.
Sau khi ra mắt năm 2000, phần đầu Gladiator nhận về thắc mắc về yếu tố lịch sử. Theo IGN, ít nhất một cố vấn lịch sử bỏ việc do những thay đổi sai lệch mà Ridley Scott đưa vào phim, người khác yêu cầu không đề cập tên trong phần credit. Trong một cuộc phỏng vấn với The Times, đạo diễn nói: "Khi các chuyên gia không đồng tình với nhiều chi tiết trong phim, tôi chỉ muốn hỏi họ: 'Các ông bà có sống ở thời đại đó không? Hãy đưa bằng chứng cụ thể đi".
Quế Chi