Vượt quãng đường 30km từ quận Cầu Giấy (Hà Nội) sang Hưng Yên, vợ chồng chị Huyền nuôi hy vọng mong manh có thể mua được tấm vé sát giờ biểu diễn chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai với giá hợp lý.
Vài tuần trở lại đây, cặp đôi xoay xở bằng mọi cách nhưng không mua được vé, vì mức giá rao bán trên mạng chênh 3-4 lần so với giá gốc. Trước đó, khi xếp hàng mua trên hệ thống online, chị Huyền đứng ở vị trí thứ 45.000. Hai vợ chồng ngồi nhìn màn hình với cảm giác bất lực.
"Vợ chồng tôi muốn mua một cặp vé Bay Phấp Phới, giá gốc chỉ 5 triệu đồng/cặp nhưng dân phe hét giá 15 triệu đồng. Mức tiền mà vợ chồng tôi chấp nhận chi ra chỉ chênh so với giá gốc 1,5-2 lần", chị Huyền cho biết.
Sau khi lần lượt hỏi dân phe, mức giá vé đều ở mức cao chót vót nên cặp đôi chấp nhận chờ đến cuối giờ chiều với hy vọng giá sẽ hạ nhiệt.
Nắm bắt tâm lý nhiều khán giả chưa có vé, dân phe di chuyển khắp nơi, hỏi mua từ khách muốn nhượng lại. Một số người khác liên tục chào mời, khẳng định rằng muốn mua hạng nào cũng có nhưng phải chấp nhận mức chênh 3-4 lần so với giá gốc.
Bà L. - một phe vé - khoe vừa "chốt" xong cặp vé Nhà Trẻ với giá 7 triệu đồng, gấp hơn 4 lần so với giá gốc. Hiện, người phụ nữ này chỉ còn vài cặp vé hạng Mứt Gừng, Nhà Trẻ. Nếu khách mua các hạng khác vẫn chấp nhận "săn" hộ với tiền công 50.000 đồng/vé.
"Có khách hỏi mua vé X-Vip với giá 40 triệu đồng/cặp, tức chênh so với giá gốc hơn 3 lần. Điều kiện họ đưa ra là hai người ngồi cạnh nhau, giá đắt đến mấy cũng chấp nhận. Tôi đang tìm mua lại cặp vé hạng này cho khách nhưng người ta không đồng ý bán", bà L. cho biết.
Càng gần trưa, tâm lý sốt ruột vì chưa có vé khiến nhiều người chấp nhận xuống tiền cho dân phe để có cơ hội thưởng thức chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai.
Một cô gái đến từ Hà Nội đồng ý mua hạng vé Mứt Gừng với giá 3,5 triệu đồng/vé. Sau khi thương lượng xong, dân phe đột nhiên đổi ý, đòi nâng lên 3,7 triệu đồng khiến cuộc giao dịch trở nên căng thẳng. Nhận thấy phản ứng gay gắt của khách, phe vé đành... chấp nhận bán.
"Người bán đòi thêm tiền sau khi đã chốt, mức giá liên tục trồi sụt theo nhu cầu của khách. Mấy ngày trước, tôi cố gắng bằng nhiều cách nhưng không thể mua được vé", cô gái chia sẻ.
"Cắn răng" mua vé giá đắt để kịp dự chương trình
Trước đó, ngày 12/11, khi Ban tổ chức chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai mở bán vé, hệ thống kênh phân phối đã sập chỉ sau vài giây, tình trạng "cháy" vé xảy ra sau 50 phút với 150.000 người xếp hàng trực tuyến.
Tới thời điểm hiện tại, tấm vé xem concert Anh trai vượt ngàn chông gai vẫn là "hàng hiếm" được đông đảo người hâm mộ săn lùng, tìm mua.
Dù giá gốc từ 800.000 đồng đến 8.000.000 đồng/vé, một số khán giả cho biết, họ phải mua vé "chợ đen" đắt gấp 3-4 lần.
Khi Ban tổ chức thông báo hết toàn bộ vé, Ngọc Anh (SN 1999, Đội Cấn) chia sẻ bản thân cảm thấy mất hi vọng do phải chấp nhận mua vé nhượng lại hoặc mua từ phe vé.
"Tôi đã có mặt tại đây từ 7h. Sau khi đi khảo giá, tôi quyết định mua hạng vé Đỉnh Nóc và Kịch Trần 11 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn cả giá loại vé X-Vip của chương trình", Ngọc Anh (SN 1999, Đội Cấn) chia sẻ.
Thảo Nhi (SN 1995, Hải Dương) đã đến từ 6h để "săn" vé. Cuối cùng, cô đồng ý mua hạng vé Mứt Gừng 1 (giá gốc 1,2 triệu đồng/vé) với giá 7 triệu đồng từ dân phe.
"Mình và bạn bè rất hào hứng với chương trình này nên muốn mua để tham dự. Sau vài ngày tìm hiểu trên mạng xã hội, giá vé concert không ngừng tăng, chúng tôi đành cắn răng mua vé với giá đắt đỏ", chị Thảo Nhi nói.
An Dương