Nội dung nêu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (nhà thi đấu Phan Đình Phùng, tại số 8 đường Võ Văn Tần, quận 3) được Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM gửi HĐND, UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố.
Đây là động thái mới nhất sau khi Chủ tịch UBND TP HCM quyết định thu hồi dự án để chuyển từ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) sang đầu tư công sau gần 15 năm trễ hẹn.
Khuôn viên dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng rộng hơn 14.400 m2. Theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, mật độ xây dựng của dự án là 50%, hệ số sử dụng đất 2.0. Công trình sẽ có ba tầng nổi và 3,5 tầng hầm. Tổng diện tích sàn (tính cả phần ngầm) là hơn 59.600 m2.
Công trình sẽ đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu 13 môn thể thao như: bóng chuyền, bóng rổ, đấu kiếm, cầu lông, võ vật, bóng ném... với 4.000-5.000 ghế ngồi. Theo kế hoạch, trường hợp có thi tuyển phương án thiết kế, thành phố sẽ thực hiện vào năm sau, khởi công năm 2026 và hoàn thiện năm 2028.
Như vậy, so với trước đó, dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng thu hẹp quy mô và giảm vốn đầu tư. Ban đầu, công trình được thiết kế 7 tầng nổi và ba tầng hầm, vốn đầu tư là hơn 1.953 tỷ đồng (đến năm 2016).
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm ở 4 mặt tiền đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần được cơ quan quản lý chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và triển khai vào tháng 3/2010, do Công ty TNHH An Tạo và Tổng công ty Đền bù giải tỏa được chỉ định đầu tư. Tuy nhiên, sau đó Công ty TNHH An Tạo rút lui.
Đến tháng 1/2018, UBND chỉ định liên danh Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa - Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt là nhà đầu tư. Tuy nhiên, dự án sau đó tiếp tục bị kéo dài do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc quanh các khu đất thành phố dùng để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư.
Đến cuối tháng 4 năm nay, UBND TP HCM quyết định dừng dự án theo hợp đồng BT và chuyển sang xây dựng nhà thi đấu bằng ngân sách.
Lê Tuyết