Cách tìm việc ở Dubai của du học sinh Việt

Nhận định thị trường châu Âu và Mỹ ngày càng khó khăn, Tiến Đạt tìm đến Dubai và trúng tuyển vào một trong những công ty tư vấn hàng đầu thế giới.


Đinh Tiến Đạt, sinh năm 2002, bắt đầu công việc với vị trí chuyên viên tại Công ty tư vấn chiến lược doanh nghiệp Whiteshield chi nhánh Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), từ đầu tháng 10.


Đạt là cựu học sinh lớp chuyên Anh, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Cách đây 4 năm, Đạt trúng tuyển học bổng toàn phần ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Tài chính tại Đại học IE, Tây Ban Nha. Đây là một trong những trường kinh doanh hàng đầu châu Âu, top 10 thế giới về đào tạo MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh).


Từ năm thứ tư, Đạt đã gửi hơn 200 đơn xin việc tại Mỹ, Singapore, Hà Lan, Dubai. Nhờ vậy, Đạt đúc rút cho mình một số kinh nghiệm.


Lựa chọn thị trường làm việc


Khi tìm hiểu các thị trường việc làm, Đạt nhận thấy dù được trả lương cao, người lao động ở Mỹ cũng chịu thuế thu nhập cá nhân cao, lên tới 30-40%. Ngoài ra, người nước ngoài muốn làm việc ở Mỹ phải được công ty bảo lãnh visa làm việc H1B, thời hạn 5 năm. Theo quy định, Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ quay xổ số để chọn người nhận visa trong tổng số đơn đăng ký, tỷ lệ đậu năm 2024 chỉ 14,6%.


"Đây là rủi ro mà các công ty thường né tránh, trừ khi bạn phải thật xuất sắc", Đạt nhận định.


Với thị trường châu Âu, Đạt thấy thường ưu tiên ứng viên ngành kỹ thuật, khoa học máy tính và phần lớn dùng tiếng bản địa để làm việc. Còn ở Singapore, chàng trai đánh giá khó xin việc vì chính phủ nước này có động thái hạn chế lao động nước ngoài từ năm 2021.


Vì thế, Đạt nhận thấy Dubai khá mới mẻ, cởi mở về thị thực làm việc và trả lương cao mà không đánh thuế.


"Các công ty cũng thường chuộng học sinh trường top từ châu Âu và Mỹ, nên mình có lợi thế", Đạt nhìn nhận.


Để tìm được việc đúng ngành, Đạt tìm trực tiếp trên website của các công ty, sử dụng dịch vụ hỗ trợ việc làm tại trường, mạng xã hội LinkedIn và tham dự các cuộc thi sinh viên. Nhờ chiến thắng trong một cuộc thi do Whiteshield tổ chức hồi năm thứ tư đại học, Đạt được vào thẳng vòng phỏng vấn của công ty này.


Lượng hóa hồ sơ năng lực (CV)


Đạt cho biết quy trình tuyển dụng của các công ty lớn thường kéo dài 3-6 tháng, bao gồm ba vòng, gồm xét hồ sơ năng lực, kiểm tra tư duy và phỏng vấn.


Chàng trai 22 tuổi nói thường trình bày CV đơn giản, chú ý lượng hóa các công việc đã làm bằng các con số. Ví dụ, khi chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp về tư vấn du học, Đạt viết "tổ chức webinar hỗ trợ 300 học sinh Việt nộp hồ sơ du học", thay vì "hỗ trợ học sinh Việt nộp hồ sơ du học".


"Lượng hóa giúp công ty hiểu mình đã có kết quả và tạo tác động như thế nào", Đạt chia sẻ.


Trong vòng kiểm tra tư duy, Đạt thấy đa phần công ty có câu hỏi giống nhau như phân biệt hình ảnh, toán, kỹ năng đọc văn bản và xử lý về tình huống đạo đức. Nhờ thường luyện phần này và thi thử trên các website chuyên môn, Đạt tự tin vượt qua vòng này.


"Bài thi khá khó nên cần làm cẩn thận, là vòng quyết định ứng viên có được phỏng vấn hay không", Đạt nói.


Xây dựng hình ảnh phù hợp với công việc


Vòng phỏng vấn thường chia thành hai giai đoạn: phỏng vấn độ phù hợp với công ty và năng lực chuyên môn. Ở phần đầu, chàng trai nhận thấy việc xây dựng hình ảnh ứng viên phù hợp với tính chất công việc thông qua kinh nghiệm là chìa khóa thành công.


"Mình làm công việc tư vấn học bổng du học, giải quyết khó khăn trong nội bộ, cũng khá tương thích với tính chất công việc tư vấn tại Whiteshield", Đạt nói, cho biết đã áp dụng công thức "chia sẻ câu chuyện/ vấn đề từng gặp + cách giải quyết + kết quả" khi trả lời câu hỏi tuyển dụng.


Ví dụ, khi được hỏi về cách giải quyết mâu thuẫn giữa đồng nghiệp, Đạt trình bày về kinh nghiệm hòa giải mâu thuẫn giữa nhân sự của công ty, từ đó giúp tăng cường sự hợp tác, cải thiện tình hình kinh doanh.


"Mình gắn chặt câu trả lời với giá trị, định hướng của công ty, một cách cụ thể, vì nếu chung chung sẽ thể hiện sự thiếu hiểu biết và nghiên cứu", Đạt chia sẻ.


Còn trong vòng phỏng vấn chuyên môn tại Whiteshield, Đạt được yêu cầu đề xuất cách đa dạng hóa nền kinh tế mà không phụ thuộc vào dầu mỏ. Theo Đạt, đây là vòng thử thách nhất vì ứng viên phải trình bày kế hoạch ngay, không có thời gian chuẩn bị.


"Vòng này đánh giá cao ứng viên ở cách hỏi lại người phỏng vấn, sử dụng số liệu rồi lên khung sườn cho chiến lược", Đạt nói, nhận định hội đồng sẽ quan tâm đến cả tính sáng tạo kế hoạch, bên cạnh sự phù hợp và khả năng thực thi. "Mấu chốt của vòng này là cách đặt câu hỏi đúng để khai thác nhiều thông tin, thể hiện khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề, vốn cực kỳ quan trọng trong ngành tư vấn".


Để làm tốt, Đạt thường xuyên luyện tập phỏng vấn với các anh, chị từng làm việc ở Whiteshield nhờ mạng lưới cựu học sinh của trường và tìm kiếm trên LinkedIn.


Đạt cho rằng sinh viên mới ra trường không có nhiều kinh nghiệm, do đó không nên kén chọn công việc, nắm được thế mạnh của mình và tận dụng các mối quan hệ để có cơ hội mới.


"Các công ty cũng không yêu cầu năng lực giỏi ngay từ đầu, mà họ cần những người tư duy tốt, có khả năng nghiên cứu thị trường và chứng minh bản thân đã có những trải nghiệm liên quan với tính chất công việc mà các bạn nộp hồ sơ", Đạt đúc kết.


Doãn Hùng - Hải Anh









Cach tim viec o Dubai cua du hoc sinh Viet


Nhan dinh thi truong chau Au va My ngay cang kho khan, Tien Dat tim den Dubai va trung tuyen vao mot trong nhung cong ty tu van hang dau the gioi.

Cách tìm việc ở Dubai của du học sinh Việt

Nhận định thị trường châu Âu và Mỹ ngày càng khó khăn, Tiến Đạt tìm đến Dubai và trúng tuyển vào một trong những công ty tư vấn hàng đầu thế giới.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá