Trả lời:
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng đến tĩnh mạch trong cơ thể, thường gặp nhất ở chân. Bệnh xảy ra khi van một chiều trong tĩnh mạch bị suy yếu hoặc hoạt động không bình thường. Các van này giúp máu chảy về tim, ngăn máu chảy ngược trở lại. Khi chúng yếu đi, máu có thể ứ đọng trong tĩnh mạch, dẫn đến giãn tĩnh mạch và hình thành bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Nhiều người lầm tưởng đạp xe là nguyên nhân trực tiếp gây giãn tĩnh mạch. Thực tế, đây là bài tập tốt cho sức khỏe tim mạch, có thể giảm triệu chứng bệnh nhờ những lợi ích sau:
Thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu: Đạp xe giúp tăng lưu thông máu, đẩy máu đi khắp cơ thể, nhất là các chi dưới trơn tru. Lặp lại một động tác đạp chân có tác dụng kích thích tuần hoàn máu đồng thời cung cấp oxy cho cơ và mô ở chân, nhờ đó hỗ trợ loại bỏ chất thải và chất chuyển hóa khỏi mô, giảm viêm, có lợi cho sức khỏe tĩnh mạch tổng thể.
Tăng cường sức mạnh cơ bắp chân: Đạp xe là hình thức để cơ bắp chân tự thực hiện chức năng bơm tĩnh mạch. Quá trình co bóp, thư giãn nhịp nhàng của các cơ vùng chân giúp máu từ tĩnh mạch trở về tim hiệu quả.
Thúc đẩy sự hồi lưu tĩnh mạch từ chân: Khi đạp xe, cơ bắp chân bơm máu, thúc đẩy sự hồi lưu tĩnh mạch tốt, giảm nguy cơ phát triển bệnh giãn tĩnh mạch.
Giảm sưng tấy và các triệu chứng khác: Khi đạp xe, máu được vận chuyển nhịp nhàng từ tim đến tĩnh mạch chi dưới và ngược lại. Điều này giúp máu bớt ứ đọng trong thành mạch, từ đó giảm sưng tấy, khó chịu do chứng suy tĩnh mạch gây ra. Endorphin được giải phóng trong quá trình tập luyện có hiệu quả giảm đau, mang lại cảm giác dễ chịu.
Bạn có thể tiếp tục đạp xe vì bài tập này không gây ra chứng giãn tĩnh mạch cũng như không làm bệnh tiến triển nặng lên. Tuy nhiên, một số yếu tố liên quan có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh. Ngồi trên yên xe đạp có độ cao không vừa vặn hoặc giữ tư thế đầu gối cong trong thời gian dài gây áp lực lên chân, ảnh hưởng đến lưu thông máu, làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch, bệnh lý thoái hóa khớp gối. Để khắc phục, bạn nên điều chỉnh độ cao yên xe, vị trí tay lái và vị trí đặt bàn đạp nhằm đảm bảo tư thế đạp xe đúng, thoải mái. Mặc quần áo được thiết kế riêng cho vận động viên cũng hỗ trợ lưu thông máu và giảm nguy cơ suy tĩnh mạch. Sau khi hoàn thành buổi tập, kê cao chân và nghỉ ngơi ngắn đưa máu trở về tim tốt hơn.
Nếu tập luyện đúng cách nhưng các triệu chứng suy tĩnh mạch trở nên trầm trọng, bạn nên đi khám để được tư vấn các phương pháp điều trị. Người bệnh nên thay đổi lối sống (duy trì cân nặng hợp lý, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, không mặc quần áo bó sát, kê cao chân khi ngồi hoặc nằm, hạn chế mang giày cao gót), điều trị nội khoa (mang vớ áp lực tĩnh mạch, uống thuốc, tiêm gây xơ tại chỗ), can thiệp ngoại khoa (chích xơ tĩnh mạch, đốt laser nội tĩnh mạch, bơm keo sinh học). Điều trị đúng cách có thể ngăn biến chứng như sưng phù, thay đổi màu sắc da, loét da, chảy máu, nguy cơ hình thành cục máu đông...
ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu
Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |