Thông tin được ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết ngày 11/12. Số ong được thả theo từng đợt tại các địa bàn huyện, thành phố. Hai loài ong ký sinh chủ yếu được nuôi là Habrobracon hebetor và Trichospilus pupivorus.
Ngành chức năng sẽ nuôi ong ký sinh và ấu trùng sâu trong phòng thí nghiệm, sau khi ong ký sinh nở sẽ bỏ vào các chai nhựa có khoét lỗ treo trên thân cây dừa trong vườn.
Theo ông Nam, bản năng của ong cái khi gặp ấu trùng sâu đầu đen ngoài tự nhiên sẽ tiêm độc tố làm tê liệt sau đó đẻ trứng lên cơ thể. Sau khoảng nửa tháng mỗi con sâu đầu đen bị ký sinh sẽ nở 10-50 con ong non. Bình quân, một con ong cái sống khoảng hơn 20 ngày và đẻ khoảng 100 trứng.
Hồi năm ngoái, Bến Tre cũng đã thả hơn 370 triệu con ong ký sinh để diệt sâu đầu đen.
Ông Nam cho biết địa bàn tỉnh có hơn 80.000 ha dừa, hiện khoảng 600 ha vườn bị nhiễm sâu đầu đen. Nhờ áp dụng biện pháp thả ong ký sinh, một số diện tích dừa tại huyện Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú đã bắt đầu phục hồi với tỷ lệ khoảng 70%.
Ngành chức năng thường tận dụng thời điểm mùa mưa để thả ong ký sinh do đây là mùa thuận lợi cho loài này phát triển, trong khi lại là mùa bất lợi cho sâu đầu đen.
Để việc diệt sâu đầu đen hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre khuyến cáo người dân nên vệ sinh vườn, thu dọn, cắt tỉa và tiêu hủy các tàu lá bị sâu gây hại. Sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật từ hai tuần trở lên mới tiến hành thả ong ký sinh, từ thời điểm này nông dân cần ngừng phun thuốc để bảo vệ đàn ong.
Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka. Trên thế giới, loài côn trùng đã được ghi nhận tại 16 nước. Do độ tuổi sâu non lên đến 40 ngày so với 10-30 ngày ở các loài gây hại khác, nên khi chúng ở chỗ nào sẽ ăn hết chỗ đó, làm cây chết hàng loạt.
Tỉnh Bến Tre có diện tích vườn dừa chiếm 80% dừa miền Tây, 50% diện tích dừa cả nước. Hơn 2/3 người dân ở địa phương này (800.000 người) dựa vào thu nhập từ cây dừa để ổn định kinh tế gia đình. Bốn năm trước, sâu đầu đen bắt đầu xuất hiện tại tỉnh, sau đó lan rộng trên toàn địa bàn, thời điểm gây hại nặng nhất khiến khoảng 1.000 ha dừa bị nhiễm.
Nam An